Dạy sách Tiếng Việt 1 cũ mà vẫn đạt mục tiêu chương trình mới, có được không?
Rõ ràng, muốn đổi mới giáo dục thành công thì trước hết phải đào tạo giáo viên thật tốt. Giáo viên chính là gốc, là nền tảng cho đổi mới.
Học sinh lớp 1 đã học được 25% chương trình năm học. Câu chuyện về chương trình mới, về sách giáo khoa mới đang gây áp lực lớn cho giáo viên dạy và cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh vẫn đang là đề tài tranh luận trên các diễn đàn.
Một số đồng nghiệp của người viết bày tỏ lo lắng chương trình nặng, sách giáo khoa lại nhiều sạn thì học sinh sẽ học và tiếp thu những kiến thức có vấn đề ấy thế nào đây?
Giáo viên có thực sự được trao quyền sử dụng các học liệu khác nhau?
“Nội dung bài học nặng hay nhẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, bởi giáo viên có quyền tổ chức phương án, hoạt động dạy học sao cho phù hợp với năng lực học sinh cũng như điều kiện của trường lớp”.
Đây chính là lời khẳng định của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh tác giả chương trình tổng thể, tác giả môn Khoa học tự nhiên, Chủ biên môn Vật lý.
Một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giải thích, trước đây chương trình, sách giáo khoa đều là "pháp lệnh", còn trong chương trình mới, chương trình mới là "pháp lệnh", sách giáo khoa là một công cụ/học liệu để thực hiện chương trình, không có tính "pháp lệnh".
Trước ý kiến của một tác giả chương trình tổng thể như thế, nhiều thầy cô giáo chúng tôi cứ thắc mắc mãi:
Dạy theo chương trình hay sách giáo khoa, nhiều giáo viên vẫn mơ hồ
Nếu thế, sao Luật Giáo dục không quy định riêng chương trình thôi, Luật còn quy định về sách giáo khoa làm gì?
Giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác.
Học liệu giáo viên được chủ động lựa chọn, miễn là thực hiện được mục tiêu chương trình đặt ra. Đấy là những gì chúng tôi được nghe về chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu được như vậy, thì việc gì phải in sách giáo khoa cho phức tạp.
Làm đúng như thế, nhà nước không phải tốn hàng nghìn tỉ cho việc viết sách, việc thẩm định có phải tốt hơn không?
Qua biết bao vòng thẩm định đã chọn ra được 5 bộ sách giáo khoa được cho là chuẩn nhất. Nay lại nói, giáo viên có thể tìm tư liệu dạy học ở những nguồn tài liệu khác nhau mà không cần phụ thuộc vào sách giáo khoa.
Vậy nếu như nhiều thầy cô giáo lớp 1 cứ chọn sách giáo khoa Tiếng Việt hiện hành, thậm chí dùng sách giáo khoa Tiếng Việt cũ trước đây mà theo nhận xét của nhiều giáo viên là dễ dạy, phù hợp với học sinh hơn những bộ sách mới hiện nay, có thể đạt các mục tiêu chương trình mới đặt ra, liệu có được không?
Cá nhân người viết tin là không! Vì theo Điều 18 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, sách giáo khoa, thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo đều do pháp luật quy định, cơ quan quản lý chọn lựa. Nay, triển khai chương trình mới, nhà trường chọn một bộ sách để dạy trong trường buộc giáo viên phải sử dụng, sao có thể không thích là thay bằng tài liệu khác?
Giáo viên có được thoát ly sách giáo khoa?
Bao nhiêu giáo viên có đủ năng lực dạy học theo chương trình, thoát ly sách giáo khoa?
Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội cho rằng: “Một đội ngũ có trình độ, có bề dày nghiên cứu khoa học, có học hàm học vị được nhà nước đào tạo bài bản mà biên soạn sách còn gặp nhiều thiếu sót và Hội đồng thẩm định yêu cầu thay vẫn bảo vệ đến cùng thì với trình độ bằng cấp của giáo viên vẫn thấp hơn thì giáo viên nào tự tin nói rằng tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn so với các giáo sư, tiến sĩ?”.
Quả thật, nhìn vào danh sách chủ biên và các tác giả những bộ sách ai cũng có học hàm học vị.
Ấy vậy mà nhiều văn bản trong sách giáo khoa còn bị sai kiến thức, lệch lạc thông điệp giáo dục thì những giáo viên tiểu học xuất phát điểm chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp (nay chuyên tu lên đại học) lại có đủ khả năng tìm ngữ liệu đúng hơn, hay hơn để thay thế hay sao?
Từ xưa đến nay, người viết nhận thấy hầu hết giáo viên đều được đào tạo, tập huấn, kiểm tra chất lượng dạy học theo sách giáo khoa nên khi dạy chỉ trung thành với sách giáo khoa. Nay, bảo thầy cô thoát ly khỏi sách, đặc biệt là tự tìm nguồn tài liệu khác để thay thế hạt sạn, thay thế những bài học chưa hay, đối với phần lớn giáo viên quả là vô cùng khó.
Giao quyền điều chỉnh nội dung dạy học cho giáo viên, vậy ai sẽ là người sẽ thẩm định lại những nội dung ấy có đạt không? Nếu sử dụng học liệu "không qua thẩm định" như quy định trong Luật Giáo dục 2019, giáo viên có vi phạm gì không?
"Không dạy ngoài sách giáo khoa" là quan niệm đã thâm căn cố đế, cần thay đổi
Dù rất buồn, xót xa nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rằng những thầy cô giáo đủ năng lực dạy học thoát ly khỏi sách giáo khoa, biết tìm ngữ liệu thay thế phù hợp thì trong một trường có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Số giáo viên còn lại thường dạy thụ động, sách viết sao thì cứ dạy y chang như thế, thậm chí có những kiến thức viết chưa phù hợp vẫn luôn trung thành theo kiểu “sách giáo khoa viết thế mà”.
Nguyên nhân một phần do cả một giai đoạn dài thiếu giáo viên nên nhiều nơi tuyển giáo viên tiểu học kiểu “vơ bèo vạt tép”.
Có người tốt nghiệp 12 cho đi học cấp tốc, người chỉ tốt nghiệp lớp 9 chỉ sau vài tháng bổ trợ cấp tốc cũng đã đứng trên bục giảng.
Những thầy cô giáo này vừa đi dạy, vừa đi học cũng chuyên tu, từ xa để có bằng đại học nhưng năng lực cũng không vì thế mà tương xứng với tấm bằng được nhận.
Sau mỗi giờ lên lớp, giáo viên lại tất tả ngược xuôi lo cơm áo gạo tiền để nuôi sống gia đình thì thời gian nào dành cho việc nghiên cứu tài liệu giảng dạy chứ nói gì đến những tài kiệu khác để biết cái hay, cái đẹp, cái cần thay thế những bài học chưa đạt trong sách giáo khoa?
Phải lấy giáo viên làm gốc, hy vọng vào lớp giáo viên trẻ
Rõ ràng, muốn đổi mới giáo dục thành công thì trước hết phải đào tạo giáo viên thật tốt. Giáo viên chính là gốc, là nền tảng cho đổi mới. Chương trình mới có phù hợp đến đâu, Sách giáo khoa có hay đến thế nào nhưng đội ngũ giáo viên chất lượng thấp thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ không cao.
Vì thế, cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giảng dạy là nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay.
Muốn có một đội ngũ giáo viên tốt, chất lượng buộc phải nâng cao chất lượng tuyển đầu vào. Thế nhưng, làm thế nào để tuyển được người giỏi vào sư phạm lại phải cần đến chế độ đãi ngộ tương xứng.
Cùng với đó, các trường sư phạm cũng cần thay đổi giáo trình giảng dạy, đào tạo giáo sinh theo hướng tích cực, chuyên sâu phát triển năng lực của người học đào tạo ra những giáo viên có các năng lực như:
Dạy học theo từng chủ đề, dạy học thoát ly sách giáo khoa, có khả năng thẩm định các ngữ liệu dạy học chuẩn, dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo... được như thế thì chương trình mới triển khai thật sự mới đạt được mục tiêu mong muốn.
Như vậy có thể thấy, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa còn cần đến một chiến lược tổng thể giải quyết nhiều vấn đề trung hạn, dài hạn, chứ không phải cứ ban hành xong chương trình, sách giáo khoa mới là mọi thứ thay đổi ngay được.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-kho-thanh-cong-neu-giao-vien-van-le-thuoc-vao-sach-giao-khoa-post213408.gd