Dạy sáng tạo, học chủ động với kho học liệu số
Khai thác hiệu quả kho học liệu số là một trong những giải pháp giúp thay đổi cách dạy và học, hỗ trợ học sinh tự học; từ đó góp phần khắc phục tiêu cực từ dạy - học thêm.

Giáo viên tổ Tự nhiên 2, Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) khai thác học liệu số phục vụ cho giảng dạy. Ảnh: NTCC
Vậy giáo viên, học sinh có thể khai thác nguồn học liệu này ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất?
Khai thác hiệu quả
Thầy Nguyễn Phương Bắc - Trường Tiểu học & THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết: Từ nhiều năm nay, sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xây dựng được kho tư liệu dùng chung cho giáo viên. Giáo viên được tổ chức đăng ký tài khoản có phí trên các nền tảng trực tuyến, hệ thống quản lý học tập để lưu trữ và chia sẻ, hướng dẫn học sinh học tập như: LMS, Canvas, Azota, Violet, Hocmai, Olm.vn, luyệnthi247….
Hằng năm, sau hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp kết thúc, những bài giảng dự thi được tập hợp; đồng thời bài giảng dạy học trên truyền hình Bắc Ninh được chia sẻ lên kho dữ liệu mở: Google Drive, OneDrive, các website hoặc cổng thông tin giáo dục để nhiều giáo viên tham khảo, học tập. Nhiều trường phổ thông thực hiện dự án “Thư viện điện tử trường học”, tích hợp vào thư viện điện tử của Bộ GD&ĐT, các trường đại học hoặc viện nghiên cứu để giáo viên, học sinh dễ dàng truy cập tìm tài liệu.
Ngoài ra, các trường còn khuyến khích việc lưu trữ video bài giảng, tư liệu dạy học (đề kiểm tra, đề cương ôn tập…) mà giáo viên tạo ra chia sẻ lên kho học liệu chung Google Forms, Padlet…
Để sử dụng hiệu quả nguồn học liệu số, thầy Nguyễn Phương Bắc cho rằng, giáo viên nên tìm hiểu kỹ và chọn học liệu có nguồn gốc đáng tin cậy, từ các tổ chức giáo dục, giảng viên uy tín, phù hợp với mục tiêu giáo dục, đối tượng giáo dục.
Phải hệ thống hóa học liệu sưu tầm theo từng nhóm, khối lớp, dạng tài nguyên (bài giảng, sách, video, bài tập…) để đảm bảo tính khoa học, tiện dụng. Khi sử dụng học liệu số, tránh chỉ dùng một dạng tài liệu, thay vào đó kết hợp sách điện tử, video, infographic, podcast… để bài học sinh động, cuốn hút và học sinh dễ tiếp thu.
Thầy cô nên thường xuyên cập nhật và sáng tạo từ kho học liệu số đã có, liên tục tìm kiếm và bổ sung tài liệu mới; sáng tạo nội dung riêng để tạo ra video bài giảng, tài liệu giáo dục riêng phù hợp với học sinh và điều kiện thực tiễn về trang thiết bị của nhà trường.
Tinh thần hợp tác với đồng nghiệp, tổ nhóm bộ môn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng học liệu số qua các hội nhóm giáo viên, diễn đàn chuyên môn cũng hết sức cần thiết. Sử dụng học liệu số hiệu quả không chỉ là tải về và chia sẻ mà còn tổ chức, kết hợp và hướng dẫn học sinh khai thác một cách chủ động. Việc linh hoạt trong phương pháp và công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả giảng dạy, học tập.
Tương tự, ngành GD-ĐT Phú Thọ đã phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung (các thiết bị dạy học số, bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng, hệ thống câu hỏi các đề kiểm tra…).
Theo thầy Tạ Duy Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Phương Xá (Phú Thọ), đây là kênh tư liệu hữu ích phục vụ công tác giảng dạy của thầy cô giáo và tự học của học sinh. Thông qua hệ thống bài tập, đề tự luyện, học sinh nâng cao được năng lực và kết quả học tập.
“Trường THPT Phương Xá đã truyền thông đến giáo viên về kho học liệu số chia sẻ dùng chung; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thầy cô khai thác hiệu quả; cách tự tạo đề luyện cho học sinh trên kho học liệu số; cách hướng dẫn học sinh thi luyện, đánh giá năng lực trên kho đề; cách vận dụng hệ thống kiến thức, các kênh tư liệu phục vụ công tác giảng dạy. Thầy cô cũng được lưu ý sử dụng kho học liệu số thường xuyên, kiên trì để đạt hiệu quả”, thầy Tạ Duy Kiên chia sẻ.
Tháng 9/2021, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kho học liệu điện tử giáo dục tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn (Hanoi Study) để cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành khai thác, sử dụng. Nhận định của cô Trương Thúy Lê - Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên 2, Trường THCS Đống Đa (Đống Đa, Hà Nội), kho học liệu điện tử Hanoi Study mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Cụ thể, giáo viên được hỗ trợ giảng dạy với tài nguyên phong phú (bài giảng, bài tập, đề kiểm tra…); tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài giảng, tăng tính linh hoạt trong phương pháp giảng dạy...
Đây cũng là cơ sở để giáo viên triển khai một số phương pháp dạy học tích cực, điển hình như mô hình lớp học đảo ngược, cải thiện tối ưu năng lực tự học của học sinh. Với người học, đây là kho kiến thức chuẩn, nguồn tài liệu quý trong bối cảnh trên mạng tràn ngập tài liệu kém chất lượng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức mới, ôn tập và rèn luyện kiến thức cũ, cải thiện năng lực tự học mọi lúc, mọi nơi…
Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn học liệu số hóa, cô Trương Thúy Lê cho rằng, có thể kết hợp kho học liệu với bài giảng để tăng tính trực quan, sinh động; tận dụng các bài tập trắc nghiệm, kiểm tra trực tuyến để đánh giá học sinh; hướng dẫn học sinh cách truy cập và khai thác nội dung phù hợp trình độ.
Thầy cô cũng có thể lựa chọn bài giảng trên kho học liệu phù hợp với nội dung bài học cung cấp cho học sinh, kết hợp với bài giảng trên lớp để tạo thành mạch bài thông suốt; đồng thời sử dụng bài tập trực tuyến của kho học liệu để kiểm tra, đánh giá năng lực tự học của học sinh.

Ảnh minh họa INT.
Giúp học sinh chủ động tự học
Quy định mới về dạy thêm, học thêm nhấn mạnh hạn chế dạy thêm không cần thiết và tăng cường năng lực tự học của học sinh. Điều này đặt ra yêu cầu học sinh biết cách khai thác hiệu quả nguồn học liệu số hóa để tự học chủ động và sáng tạo.
Nhấn mạnh điều này, thầy Nguyễn Phương Bắc đưa lời khuyên, học sinh cần rèn kỹ năng khai thác và sử dụng học liệu số. Trước khi sử dụng học liệu số, học sinh cần xác định mình muốn học gì và kết quả mong đợi; nhờ thầy cô tư vấn để lập kế hoạch chuẩn bị học liệu cho học tập cụ thể, rõ ràng.
Các em lưu ý lựa chọn nguồn học liệu chất lượng, chính thống từ các trang giáo dục uy tín mà thầy cô cung cấp, hoặc bản thân đã thẩm định; không nên lấy tài liệu từ nguồn không có kiểm chứng, tham khảo ý kiến thầy cô khi cần.
Gợi ý cách tự học với học liệu số, thầy Nguyễn Phương Bắc cho rằng, học sinh nên kết hợp nhiều loại tài liệu (sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo, video bài giảng trên một số kênh uy tín); thí nghiệm ảo và mô phỏng (trên Labster, GeoGebra, Algodoo) để học khoa học trực quan hơn. Sử dụng Quizizz, Kahoot, Google Forms, Azota để tự trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức. Khi học, có thể ghi chép dưới dạng sơ đồ tư duy (Mindmap) giúp ghi nhớ tốt hơn.
Các em thực hành làm bài tập thường xuyên để củng cố kiến thức. Cùng đó, tương tác và học tập nhóm, tham gia các buổi thảo luận trên diễn đàn học tập, chủ động hỏi thầy cô, bạn bè. Cần tự đánh giá, điều chỉnh phương pháp học nếu cảm thấy chưa hiệu quả.
“Học liệu số hóa là công cụ mạnh mẽ giúp học sinh tự học. Nhưng để khai thác hiệu quả, người học cần biết chọn lọc nguồn tài liệu, học một cách chủ động và kết hợp nhiều phương pháp học tập. Rèn luyện kỹ năng tự học sẽ giúp học sinh chủ động, sáng tạo và thích nghi tốt hơn với yêu cầu mới của giáo dục”, thầy Nguyễn Phương Bắc cho hay.
Cô Trương Thúy Lê thì lưu ý, học sinh cần xây dựng thói quen học tập chủ động, không chỉ dựa vào bài giảng trên lớp; sử dụng kho học liệu để ôn tập theo chủ đề, giải bài tập theo từng mức độ; tham gia các bài kiểm tra trực tuyến để tự đánh giá năng lực.
Các em hãy lập kế hoạch học tập, chia thời gian học theo từng chủ đề, tránh học dồn. Chủ động tìm hiểu, không chỉ xem bài giảng mà còn làm bài tập, thực hành. Hãy hỏi khi chưa hiểu và thảo luận để củng cố kiến thức.
“Các em hãy duy trì tính kỷ luật và kiên trì trong quá trình tự học. Bên cạnh đó, cần rèn luyện kỹ năng tự đặt câu hỏi, tự kiểm tra lại kiến thức, xây dựng cho mình bộ lọc trong bối cảnh nguồn tài liệu kém chất lượng tràn lan. Việc tự học nên đi từ xem video bài giảng trực tuyến, kết hợp ghi chép, ghi nhớ kiến thức lý thuyết rồi bắt tay vào luyện bài tập và đề”, cô Trương Thúy Lê nhắn nhủ.
Hiện nay, nguồn học liệu còn thiếu nhiều bài giảng, kiến thức trong chương trình nên học sinh sẽ bối rối vì bài học chưa liền mạch. Giáo viên nên hướng dẫn các em lựa chọn thêm nguồn học liệu uy tín khác nhằm giữ mạch kiến thức và đảm bảo tính logic của chương trình học. - Cô Trương Thúy Lê
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-sang-tao-hoc-chu-dong-voi-kho-hoc-lieu-so-post725643.html