Những con số biết nói về giáo dục đại học Việt Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình Chính phủ báo cáo đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2024.

Qua thực tiễn 12 năm thi hành Luật Giáo dục đại học năm 2012 và gần 6 năm triển khai thi hành Luật Giáo dục đại học năm 2018, có thể khẳng định Luật Giáo dục đại học đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục đại học, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước, thể hiện ở những kết quả nổi bật như:

Thứ nhất, về hệ thống giáo dục đại học

Hiện nay cả nước có 264 cơ sở giáo dục đại học bao gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng, 4 đại học khác và 255 trường đại học, học viện trong đó 171 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương, 26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực thuộc trung ương và 77 cơ sở giáo dục đại học tư thục (có 02 trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, 01 trường đại học dân lập đang thực hiện chuyển đổi sang tư thục và 5 trường đại học có vốn nước ngoài). Như vậy, tổng số cơ sở giáo dục đại học tăng lên 4 trường so với năm 2019 trong đó có 1 trường đại học tư thục được thành lập mới trong giai đoạn này.

 Ảnh minh họa: Mộc Trà

Ảnh minh họa: Mộc Trà

Quy mô tuyển sinh và đào tạo của hệ thống cơ sở giáo dục đại học có sự gia tăng rõ rệt từ năm 2019, sau một giai đoạn đi xuống từ năm 2014. Tổng quy mô đào tạo trình độ đại học năm 2024 đạt 2,3 triệu sinh viên, tăng 37% so với năm 2019 và đạt 230 sinh viên trên một vạn dân, trong đó tỉ trọng quy mô đào tạo khối tư thục tăng từ 18,8% lên trên 22%. Điều này phản ánh hệ thống giáo dục đại học, trong đó có khối tư thục đã có chuyển biến tốt về chất lượng đào tạo, củng cố niềm tin và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học và của xã hội.

Thứ hai, về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục đại học

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 167/171 cơ sở giáo dục đại học công lập (không tính các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đã hoàn thành việc thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 28/35 cơ sở giáo dục đại học có Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học (không tính Trường Đại học Việt Đức thực hiện theo Hiệp ước Chính phủ), 07 cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện lộ trình Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch Hội đồng trường.

Triển khai quy định của Luật Giáo dục đại học, 04 cơ sở giáo dục đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi thành đại học trong đó có 01 cơ sở giáo dục đại học tư thục (gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội (2022), Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (2023), Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Duy Tân (2024)). Khác với mô hình đại học hai cấp của các đại học quốc gia và đại học vùng, các đại học này có các trường, khoa thuộc đại học nhưng không có trường đại học thành viên.

Thứ ba, về hoạt động đào tạo

Hiện nay toàn hệ thống hiện nay có trên 4.900 chương trình đại học và 2.770 chương trình sau đại học. Trên cơ sở quy định về chuẩn chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động nghiên cứu, cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh các chương trình đào tạo trong nước, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động mở rộng phát triển các chương trình đào tạo hợp tác, liên kết quốc tế, trong đó chú trọng hơn trong lựa chọn cơ sở giáo dục đại học đối tác có uy tín.

Quy mô sinh viên đại học tính theo năm học 2023-2024 đạt 2.205.127 người. Sinh viên tuyển sinh mới trình độ đại học là 633.230; trong đó, chính quy là 534.935, vừa làm vừa học là 46.728, đào tạo từ xa là 51.507. Học viên cao học tuyển sinh mới là 37.556; nghiên cứu sinh tuyển mới là 3.309.

Thứ tư, về hoạt động khoa học và công nghệ

Hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học đã có bước tiến mạnh trong giai đoạn 2019-2023. Hiện nay, nhân lực khoa học công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học chiếm 52% toàn quốc, với 75% có trình độ tiến sĩ. Hoạt động khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học được triển khai hiệu quả, với số lượng bài báo khoa học công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế tăng mạnh. Số công bố khoa học của cả nước thuộc danh mục Scopus giai đoạn 2019-2024 tăng 3,2 lần so với giai đoạn 2013-2018, trong đó khối cơ sở giáo dục đại học đóng góp khoảng 85% số công bố. Những kết quả công bố khoa học này đã góp phần quan trọng trong việc tăng số lượng và thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học có tên trong các bảng xếp hạng đại học có uy tín trên thế giới.

 Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Tính trong giai đoạn 2019-2023, số sáng chế, giải pháp hữu ích đạt 346 văn bằng, tăng hơn 3 lần so với 2014-2018. Nhiều sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt nhiều công ty khởi nguồn, công ty khởi nghiệp đã được hình thành từ các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các cơ sở giáo dục đại học.

Giai đoạn 2019-2023, hơn 10.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết, mang lại doanh thu hàng trăm tỉ đồng, góp phần thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên được đẩy mạnh, với trên 5.000 lượt tham dự giải thưởng nghiên cứu khoa học và hơn 2.237 đề tài tham gia. Các đề tài nghiên cứu kết hợp chặt chẽ với đồ án, luận văn và luận án tốt nghiệp, phát triển năng lực nghiên cứu thực tiễn cho sinh viên.

Thứ năm, về hợp tác quốc tế

Luật Giáo dục đại học đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới như:

Gia tăng số lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế, số lượng các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học Việt Nam với các đối tác nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, y học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Số bài báo hợp tác có hợp tác với nước ngoài được đăng trên các tạp chí uy tín đã tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Gia tăng số lượng giảng viên Việt Nam được cử đi đào tạo hoặc thực hiện nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, nhất là đi học tiến sĩ theo các chương trình học bổng theo hiệp định liên chính phủ và các chương trình học bổng khác. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng thu hút được nhiều giảng viên, chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào giảng dạy và nghiên cứu, hiện đạt khoảng 3.000 người/năm.

Gia tăng số lượng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, tạo môi trường học tập quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế đồng thời nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Số lưu học sinh nước ngoài đã có xu hướng tăng trở lại (sau thời gian đại dịch Covid) với con số hiện nay là khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài học lấy bằng tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Gia tăng số lượng và thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín; tăng mạnh số lượng các cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

Gia tăng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt với các tập đoàn công nghệ lớn trong xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đào tạo hiện đại, nâng cao kỹ năng và cơ hội việc làm cho sinh viên.

Khai thác được nhiều nguồn tài trợ, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế như WB, ADB, USAID, UNESCO; khai thác được nhiều chương trình học bổng từ các chính phủ và tổ chức quốc tế, giúp thêm sinh viên và giảng viên Việt Nam học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Thứ sáu, về bảo đảm và kiểm định chất lượng

Bảo đảm và kiểm định chất lượng là một cơ chế mới được quy định chính thức trong Luật Giáo dục đại học năm 2018, gắn với việc thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Qua giai đoạn 5 năm vừa qua, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng trong hệ thống giáo dục đại học đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng đi vào thực chất, mang lại các tác động tích cực cho cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học được mở rộng và đa dạng hóa, đội ngũ kiểm định viên được tăng cường.

Từ khi thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2018, đã có thêm 03 tổ chức kiểm định (tư thục) trong nước được thành lập, cấp phép hoạt động, nâng tổng số tổ chức kiểm định trong nước lên 7 tổ chức. Bên cạnh đó, có 10 tổ chức kiểm định nước ngoài (AUN-QA; HCERES; QAA; FIBAA; AQAS; ASIIN; ACQUIN; THE - ICE; ACBSP; ABET) được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đại. Điều này tạo thêm cơ hội cho các cơ sở giáo dục lựa chọn các tổ chức phù hợp để kiểm định và đưa ra những tư vấn chiến lược giúp cơ sở GDĐH đạt được tầm nhìn, sứ mệnh của mình.

Trên cơ sở Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, trong hai năm 2023 và 2024, đã có thêm 261 kiểm định viên được cấp thẻ, bổ sung kịp thời nhân lực vào đội ngũ kiểm định viên hiện hành. Hiện nay đội ngũ kiểm định viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp thẻ là hơn 600 người, trong đó có nhiều kiểm định viên là các đánh giá viên, kiểm định viên của các tổ chức kiểm định chất lượng nước ngoài và có đóng góp cho sự phát triển của hệ thống bảo đảm chất lượng trong nước và khu vực ASEAN.

Thứ bảy, về đội ngũ giảng viên

Tổng số giảng viên toàn thời gian của hiện nay là trên 91.000 (tăng gần 25% so với năm 2019), trong đó tỉ lệ có trình độ tiến sĩ tăng trung bình mỗi năm khoảng 1,5% đến 2% và tại thời điểm hiện nay đạt trên 33%.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

Năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đội ngũ giảng viên cũng được nâng cao, thể hiện qua thành tích công bố khoa học và công nghệ đã nêu trong phần trên của báo cáo. Năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên có chuyển biến mạnh, thể hiện qua số lượng các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của đội ngũ giảng viên trong đổi mới phương pháp dạy và học ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây.

Thứ tám, về hỗ trợ người học

Các chính sách tài chính hỗ trợ sinh viên tiếp tục được triển khai, thu hút các nguồn kinh phí xã hội hóa, tạo động lực học tập cho sinh viên khá giỏi và tăng cơ hội học tập cho sinh viên yếu thế.

Chính sách học bổng khuyến khích học tập được thực hiện theo quy định tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó những sinh viên khá, giỏi được xét học bổng từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học (tối thiểu 8%). Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng rất nỗ lực thu hút các nguồn tài trợ học bổng từ doanh nghiệp và các nhà tài trợ khác để hỗ trợ sinh viên.

Chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên được điều chỉnh theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối tượng vay được mở rộng cho sinh viên thuộc gia đình có mức thu nhập trung bình, mức vay hằng tháng tăng lên 4 triệu đồng/sinh viên. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đại học cũng đã tự xây dựng được quỹ cho sinh viên vay với lãi suất 0%, từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Chính sách hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí đối với sinh viên được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, áp dụng cho sinh viên thuộc đối tượng chính sách và sinh viên theo học các ngành nghề đặc thù cần được khuyến khích.

Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ sinh viên; 25% cơ sở GDĐH đã thành lập trung tâm tư vấn - hỗ trợ và khởi nghiệp sinh viên. Số lượng các cơ sở GDĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 48% cơ sở giáo dục đại học vào cuối năm 2023, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học; 75% cơ sở GDĐH đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; 100% các cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.

Thứ chín, về tài chính, tài sản

Theo số liệu ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước của các cơ sở giáo dục đại học chiếm trên 80% tổng thu của cả hệ thống giáo dục đại học.

Mặc dù các cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định mức học phí trong khung quy định của Chính phủ (trừ các ngành đạt kiểm định chương trình đào tạo), chính cơ chế tự chủ đã tạo sức ép để cơ sở giáo dục đại học phải cạnh tranh và xây dựng ra mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo. Trong giai đoạn 3 năm 2020-2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã không tăng học phí theo chủ trương của Chính phủ, qua đó giảm gánh nặng tài chính cho người học và gia đình, tuy nhiên cũng tạo ra thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc duy trì, bảo đảm chất lượng đào tạo.

Các cơ sở giáo dục đại học tư thục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả quy định dành ít nhất 25% phần chênh lệch thu và chi từ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ dành để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và thực hiện trách nhiệm xã hội. Theo báo cáo của một số trường, tỉ lệ chênh lệch thu chi dành cho các hoạt động này còn cao hơn 25% (có trường đạt 30%).

Những kết quả đạt được của hệ thống giáo dục đại học trong giai đoạn 6 năm vừa qua đã thể hiện tác động sâu rộng, tích cực từ những chính sách lớn và quy định phù hợp của Luật Giáo dục đại học, trong đó đặc biệt là những quy định về đổi mới tổ chức và quản trị đại học, tăng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa và nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng, hệ thống giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Xu hướng tự chủ đại học, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế và yêu cầu gắn kết với thị trường lao động đòi hỏi khung pháp lý phải linh hoạt, phù hợp và tiên tiến hơn. Việc đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học là yêu cầu cần thiết để tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Linh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhung-con-so-biet-noi-ve-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-post250367.gd