Dạy thêm bằng chữ 'tâm'
Quy định mới về siết dạy thêm - học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) được nhiều người ủng hộ và đồng tình. Theo đó, đảm bảo môi trường dạy thêm, học thêm lành mạnh là điều cần thiết nhằm tạo sự công bằng giữa học sinh với học sinh; giữa các thầy cô giáo trong môi trường giáo dục.
Việc dạy thêm, học thêm được xem là nhu cầu hợp lý của nhiều học sinh mong muốn nâng cao vốn hiểu biết và trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này cũng đã gây ra không ít lo ngại từ phía phụ huynh do sự thiếu vắng các quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc tổ chức dạy thêm, học thêm cả trong lẫn ngoài nhà trường. Chính vì vậy, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT ban hành vừa qua đã thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận, bởi rất nhiều quy định mới được đưa vào áp dụng.
Khác với dự thảo trước đó đưa ra gây tranh cãi, thông tư này có rất nhiều điểm được sửa đổi phù hợp với thực tiễn dạy và học, cũng như đi theo xu hướng tiến bộ. Cụ thể, quy định mới không cấm các thầy cô dạy thêm học sinh theo lối “không quản được thì cấm”. Cần phải nói rõ việc dạy thêm không hề xấu, chỉ xấu nếu như sai cách thức và phi giáo dục mà thôi.
Theo tinh thần Thông tư mới, Bộ GDĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh. Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Tương tự với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch nhà trường. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả.
Như vậy, việc chỉ rõ 3 đối tượng được học thêm, dạy thêm miễn phí trong nhà trường vừa là yêu cầu nhưng cũng vừa là mong muốn các thầy cô kèm cặp, bồi dưỡng cho trò bằng cái tâm của mình. Nói như ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), việc hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với việc siết dạy thêm, học thêm hiện nay. Ông phân tích cụ thể: Dạy thêm, học thêm là một hoạt động liên quan trực tiếp đến giáo dục, tới quyền lợi của học sinh và giáo viên. Do đó, công tác này cần được quản lý chặt chẽ thông qua việc ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể từ các cấp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả giáo viên, học sinh, cũng như gia đình học sinh, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Tiếp đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải được thực hiện sao cho không làm ảnh hưởng đến chương trình giáo dục chính khóa của nhà trường. Điều quan trọng, yếu tố cốt lõi của dạy thêm, học thêm là lợi ích của học sinh. Các quy định mới góp phần ngăn chặn các trường hợp học sinh không có nguyện vọng hay nhu cầu nhưng vẫn bị ép buộc tham gia vào các lớp dạy thêm do nhà trường hoặc giáo viên tổ chức.
Ông Thành cũng cho rằng, việc dạy thêm miễn phí trong nhà trường theo quy định mới sẽ mang lại cả thuận lợi và khó khăn. Để đạt được hiệu quả tối đa, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, cùng với những nỗ lực từ phía học sinh.
Trên thực tế, dạy thêm học, thêm là một nhu cầu có thật của cả thầy cô và học sinh, phụ huynh. Vấn đề cần lưu tâm là cần phải quản lý, tổ chức như thế nào để góp phần hạn chế tối đa những vấn đề tiêu cực mà dạy thêm, học thêm có thể nảy sinh, biến tướng. Nhiều nội dung trong hoạt động dạy thêm, học thêm tuy đã được quy định cụ thể, nhưng để hoạt động này đi vào khuôn khổ, cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-them-bang-chu-tam-10298616.html