Dạy thêm, học thêm: Để không tiêu cực
Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh và gia đình muốn bồi dưỡng, củng cố, nâng cao kiến thức, nhưng trên thực tế rất nhiều lớp học thêm hiện nay, dù là trong nhà trường hay ngoài nhà trường đều hoạt động theo phương thức, dạy theo cùng một nội dung giống nhau.
Vừa qua, hàng loạt sai phạm của Trường TH - THCS - THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội kết luận, trong đó có việc báo cáo thu dạy thêm không trung thực. Cụ thể, kết quả kiểm tra công tác quản lý nhân sự, quản lý học sinh; quản lý tài chính, tài sản tại Trường Tiểu học, THCS - THPT Khương Hạ nêu rõ: “Nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT: Không có đơn của học sinh; không có kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm; tổ chức biên chế lớp học thêm theo lớp chính khóa; giáo viên dạy bộ môn theo chương trình chính khóa đồng thời dạy lớp học thêm.
Qua việc kiểm tra thực tế chứng từ thu tiền dạy thêm, học thêm do nhà trường cung cấp và đã theo dõi ghi sổ kế toán cho thấy, ở một số lớp số tiền không khớp đúng giữa danh sách thu tiền và phiếu thu tiền; một số nội dung chi tiền không đúng theo quy định về nội dung được chi từ nguồn dạy thêm học thêm. Mức thu tiền học thêm dạy thêm là 7.000 đồng/tiết/học sinh nhưng theo xác nhận của nhân viên Kế toán và nhân viên Thủ quỹ của nhà trường, mức thu tiền học thêm thực tế đối với cấp học THCS là 20.000 đồng/tiết/học sinh, tăng 13.000 đồng/tiết/học sinh; đối với cấp học THPT là 17.500 đồng/tiết/học sinh tăng 10.500 đồng/tiết học sinh so với số liệu đơn vị đã báo cáo ghi sổ kế toán và cung cấp cho Đoàn kiểm tra.
Theo Quyết định số 22/2013 ngày 25/6/2013 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn TP Hà Nội đối với lớp học từ 40 học sinh trở lên, kinh phí thu 7.000 đồng/tiết/học sinh. Tuy nhiên, từ kết quả thanh kiểm tra của Sở GDĐT Hà Nội cho thấy vẫn có những trường thu học phí cao hơn nhiều so với quy định nhưng trên sổ sách giấy tờ lại vẫn ghi mức thấp hơn dẫn đến dư luận không khỏi bức xúc khi bị phát hiện.
Thêm vào đó, đối với khối 10 năm học 2022-2023, dạy thêm, học thêm được tổ chức ngay từ tuần đầu tiên của năm học khi chưa tổ chức họp cha mẹ học sinh đầu năm cho thấy việc tổ chức không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện được quy định tại Điều 3 Thông tư số 17/2012 ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT ban hành.
Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện những sai phạm trong dạy thêm, học thêm khiến dư luận bức xúc, đặc biệt là những sai phạm này kéo dài trong một khoảng thời gian dài với số tiền vi phạm lên tới cả tỉ đồng nhưng trước đó không ai phát hiện hoặc lên tiếng dù số học sinh tham gia học thêm rất lớn, lên đến hàng nghìn em.
Mặc dù các địa phương đã vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này, song hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này là Thông tư số 17/2012/TT- BGDĐT đã ban hành một thời gian dài, có những điểm không còn phù hợp với hiện nay. Vì vậy, mới đây Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 29 ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm học thêm với nhiều điểm mới. Trong đó, Thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng học sinh xếp loại cuối học kỳ chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh thi cuối cấp. Đây là quy định mới rất đáng được chú ý, việc dạy thêm trong nhà trường sắp tới sẽ siết chặt hơn, quy định cụ thể hơn so với những quy định trước đây tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐ. Bên cạnh đó, Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy - học thêm phải bảo đảm một số yêu cầu nhằm tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông, hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận.
Từ ngày 14/2/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều ý kiến kỳ vọng việc quản lý dạy thêm, học thêm sẽ dần dần đi vào nền nếp, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng thời cũng mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường việc thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Đặc biệt, để học sinh và phụ huynh hiểu rõ và thực hiện đúng quyền của mình trong việc tham gia/không tham gia học thêm, các hoạt động liên kết; đấu tranh với mọi biểu hiện “ép buộc” người học, cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương, quy định hiện hành.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-them-hoc-them-de-khong-tieu-cuc-10297782.html