Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật nhưng cần phải quản lý, tránh tràn lan
Thông tư hướng đến quyền lợi của người học là giúp người học đạt được yêu cầu cần đạt của Chương trình và hướng đến lợi ích hợp pháp của giáo viên.
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề "nóng" của xã hội vì nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều nhà, nhiều người. Vì thế, vào tháng 8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm thay thế cho Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Dự thảo đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để huy động trí lực của toàn xã hội.
Sau thời gian lắng nghe, tiếp thu góp ý của người dân của người trong ngành; tổ chức nhiều hội thảo nghiên cứu, đánh giá thực trạng thực hiện việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của các địa phương; ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/02/2025.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật nhưng cần phải quản lý
Có nhiều lý do học sinh phải đi học thêm như chương trình nặng so với một số em, do áp lực tâm lý thi cử, do kỳ vọng quá lớn của phụ huynh vào con cái,… Đây là nhu cầu có thật nhưng trong thực tế có nhiều biến tướng tiêu cực xảy ra gây ra hoang mang trong dư luận.
Nhưng với quan điểm chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ kiểu tư duy "không quản được thì cấm", theo người viết, quan điểm này thể hiện khá rõ trong Thông tư 29. Theo đó, thông tư có hành lang rõ ràng cho việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài nhà trường. Hàng lang pháp lý rõ ràng cho giáo viên được tham gia dạy thêm đàng hoàng.
Thông tư cũng nhất quán với quan điểm chỉ cấm những hành vi tiêu cực để làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, thúc đẩy "Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới" như Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông tư cũng quy định về vấn đề giám sát việc dạy thêm, học thêm: Việc giám sát không chỉ có ngành Giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát của toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.
Như vậy, Thông tư 29 vừa kế thừa Thông tư 17 vừa bổ sung thêm một số quy định phù hợp với thực tiễn, phù hợp với Chương trình mới nhằm khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thật, chính đáng của cả người dạy và người học.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động để hoàn thành kế hoạch giáo dục của nhà trường
Theo Điều 5 của Thông tư, 3 đối tượng được học thêm trong nhà trường, thuộc về trách nhiệm của nhà trường và không được thu tiền của học sinh là:
Một là, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt;
Hai là học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
Ba là học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Quy định này nhằm hạn chế việc giáo viên đưa học sinh đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường ra ngoài dạy thêm.
Nhà trường có trách nhiệm phải bồi dưỡng 3 đối tượng trên mà không thu tiền nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và được đưa vào kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Lớp dạy thêm được xếp không quá 45 học sinh; mỗi môn học thêm không quá 2 tiết/ tuần; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu chính khóa; không dạy thêm trước nội dung chương trình của môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Theo đó, nhà trường phải tăng cường trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi của học sinh phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình để hoàn thành kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường chặt chẽ hơn
Theo Điều 6 của Thông tư, giáo viên kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
Hoạt động kinh doanh này phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về: các môn học dạy thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm; danh sách người dạy thêm; mức tiền thu dạy thêm (theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh).
Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng (Thủ trưởng) về môn dạy, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29) nhằm tăng trách nhiệm quản lý của Hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi có tham gia dạy thêm bên ngoài nhà trường; đồng thời giáo viên ý thức hơn về trách nhiệm của một nhà giáo dù đang giảng dạy ở bất kỳ cơ sở giáo dục nào.
Tóm lại, Thông tư 29 có tính nhân văn, đồng bộ, thiết thực, phù hợp với Chương trình 2018. Thông tư hướng đến quyền lợi của người học là giúp người học đạt được yêu cầu cần đạt của Chương trình và hướng đến lợi ích hợp pháp của giáo viên; đồng thời khắc phục được những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm mà bấy lâu nay dư luận xã hội đã phản ánh.