Dạy thêm, học thêm tràn lan: Đi ngược lại tinh thần đổi mới giáo dục (Bài 1)
Dạy thêm, học thêm tràn lan không chỉ tác động tiêu cực đến chất lượng GD mà còn đặt ra thách thức lớn về công bằng xã hội và định hướng phát triển toàn diện.

Thí sinh tham dự đợt 1 Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 30/3. Ảnh minh họa: INT
Lời cảnh báo từ 30 năm trước còn nguyên tính thời sự
Ngay từ năm 1996, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã cảnh báo về những tác động tiêu cực của dạy thêm, học thêm tràn lan: “Dạy thêm và học thêm tràn lan, tốn nhiều thời gian và tiền bạc của học sinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của học sinh và quan hệ thầy trò”.
Gần ba thập kỷ trôi qua, lời cảnh báo này vẫn giữ nguyên tính thời sự. Thay vì giảm bớt, dạy thêm, học thêm (DTHT) ngày càng phát triển với quy mô rộng lớn hơn dưới nhiều hình thức như lớp học tại nhà, trung tâm luyện thi, hay các buổi phụ đạo trá hình. Điều này không chỉ gây áp lực lớn lên học sinh và phụ huynh mà còn đi ngược lại tinh thần đổi mới của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của BCHTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vốn đặt mục tiêu chuyển từ “truyền thụ kiến thức” sang “phát triển phẩm chất và năng lực người học”.
Nhiều trường học và phụ huynh vẫn đặt mục tiêu và áp lực điểm số lên học sinh. Vì thế mà vẫn nặng về truyền thụ kiến thức hơn là giáo dục (hình thành) phẩm chất, năng lực, nặng về phát triển trí thông minh (IQ) mà xem nhẹ phát triển cảm xúc (EQ) và các kỹ năng mềm cơ bản cho học sinh.
Trong khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh vào việc xây dựng con người tự chủ, sáng tạo và có khả năng học tập suốt đời, thì dạy thêm, học thêm tràn lan đang làm suy giảm giá trị thực sự của việc học.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang về tình hình triển khai Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Ảnh: Bộ GD&ĐT
Nguyên nhân DTHT tràn lan
Hệ thống giáo dục: Gánh nặng thi cử, định hướng lệch lạc
Các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học không chỉ đo lường kết quả mà còn được xem là “tấm vé” định đoạt tương lai học sinh. Học trên lớp thường bị cho là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thi cử, khiến học sinh và phụ huynh tìm đến học thêm như một giải pháp tất yếu.
Dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuyển hướng sang phát triển năng lực nhưng tư duy chạy theo điểm số, đánh giá chủ yếu dựa vào điểm số vẫn chi phối mạnh mẽ cách tiếp cận giáo dục. Tư duy đó không chỉ làm méo mó giá trị học tập mà còn tạo áp lực nặng nề lên cả học sinh, giáo viên và phụ huynh, khiến việc học trở thành cuộc đua không hồi kết.
Tâm lý xã hội: Áp lực sĩ số, bệnh thành tích và phó mặc cho nhà trường
Thiếu trường lớp, sĩ số đông khiến giáo viên không đủ điều kiện kèm học sinh. Học thêm trở thành giải pháp bù đắp nhưng lạm dụng, biến tướng trở thành “vấn nạn”.
Ngoài áp lực từ hệ thống giáo dục, tâm lý xã hội cũng góp phần thúc đẩy việc học thêm. Nhiều phụ huynh lo lắng nếu con mình không học thêm, sẽ có kết quả kém. Tâm lý “bằng bạn bằng bè” và tư duy “con nhà người ta” khiến phụ huynh sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc vào học thêm mà không thực sự cân nhắc xem điều đó có cần thiết hay không. Đây chính là nội dung đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra trong bài viết về Học tập suốt đời: “Tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn”.
Nhiều gia đình có xu hướng phó mặc hoàn toàn việc học của con cho nhà trường và giáo viên. Họ tin rằng chỉ cần gửi con đến lớp và đóng tiền học thêm là đảm bảo được kết quả học tập tốt, thay vì đóng vai trò chủ động trong việc định hướng và hỗ trợ con học một cách hiệu quả. Khi con không đạt kết quả như kỳ vọng, thay vì xem xét lại phương pháp học tập hay môi trường giáo dục, nhiều phụ huynh tiếp tục gia tăng thời gian học thêm, tạo ra một vòng luẩn quẩn không hồi kết.
Vai trò của giáo viên: Lằn ranh giữa trách nhiệm và lợi ích
Bản thân giáo viên cũng chịu tác động từ dạy thêm, học thêm. Nhiều thầy cô mở lớp dạy thêm với mong muốn hỗ trợ học sinh yếu kém hoặc những em có nhu cầu nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, khi dạy thêm dần trở thành một nguồn thu nhập quan trọng, ranh giới giữa trách nhiệm và lợi ích trở nên mong manh.
Một số giáo viên có thể giảm đầu tư cho giờ dạy chính khóa, giảng bài sơ sài để học sinh buộc phải tham gia học thêm nếu muốn hiểu bài sâu hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung mà còn làm tổn hại đến quan hệ thầy trò, gây mất lòng tin giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường.
Bên cạnh đó, áp lực từ xã hội cũng khiến giáo viên rơi vào tình thế khó xử. Nếu không dạy thêm, họ có thể bị xem là thiếu trách nhiệm hoặc không đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Ngược lại, nếu tham gia dạy thêm tràn lan, họ có nguy cơ bị đánh giá tiêu cực về đạo đức nghề nghiệp. Đây là vòng luẩn quẩn cần được giải quyết từ góc độ hệ thống, thay vì chỉ quy trách nhiệm cho cá nhân.
Quản lý giáo dục: Thiếu hiệu quả và sự phối hợp lỏng lẻo
Những lỗ hổng trong quản lý là nguyên nhân không thể bỏ qua. Dù có quy định về dạy thêm, học thêm, việc thực thi và giám sát vẫn thiếu nhất quán và nghiêm minh. Tình trạng dạy thêm trá hình vẫn phổ biến, cho thấy khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.
Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã yêu cầu “chấm dứt dạy thêm tràn lan” nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình - như Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu chưa được thực hiện tốt. Thiếu đồng bộ giữa các bên khiến những biện pháp quản lý trở nên kém hiệu quả, để lại khoảng trống cho dạy thêm, học thêm phát triển tràn lan.
Hệ lụy đối với giáo dục và xã hội
Đối với học sinh: Suy giảm sự phát triển toàn diện và mất năng lực tự học
Học sinh chịu thiệt hại lớn nhất khi quỹ thời gian bị chiếm đoạt bởi học thêm. Các em không còn cơ hội tham gia hoạt động thể chất, nghệ thuật hay phát triển sở thích cá nhân, đi ngược lại mục tiêu phát triển toàn diện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Áp lực học tập quá tải còn gây tổn hại sức khỏe thể chất và tinh thần, biến học sinh thành “cỗ máy” ghi nhớ thay vì những cá nhân sáng tạo, có tư duy phản biện.
Đặc biệt, việc phụ thuộc vào học thêm khiến học sinh mất dần năng lực tự học - một kỹ năng quan trọng để phát triển trong thời đại tri thức bùng nổ. Kiến thức phổ thông là nền tảng quan trọng nhưng không đủ để đảm bảo thành công nếu thiếu khả năng tự học. Việc quá phụ thuộc vào học thêm sẽ khiến học sinh mất đi tư duy tự chủ, khả năng tự tìm kiếm và phân tích thông tin.
Đối với gia đình: Lãng phí công sức, thời gian và tiền bạc
Học thêm đặt gánh nặng tài chính lên các gia đình, đặc biệt là hộ thu nhập thấp. Hơn nữa, việc chi tiêu quá mức cho học thêm là một sự lãng phí lớn, không chỉ về tiền của mà còn về thời gian và cơ hội để gia đình đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động khác.
Phụ huynh đầu tư thời gian, tiền bạc vào học thêm với kỳ vọng cao nhưng điều này lại vô tình tạo thêm áp lực cho cả gia đình và học sinh. Trong khi đó, chất lượng giáo dục không luôn luôn tỷ lệ thuận với chi phí bỏ ra; đặc biệt khi chi phí đầu tư không đúng thì không mang lại hiệu quả mà có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Đối với giáo viên: Áp lực và sự mất cân bằng
Giáo viên cũng chịu hệ lụy khi dành quá nhiều thời gian cho dạy thêm, dẫn đến chất lượng giờ dạy chính khóa có thể bị ảnh hưởng. Quan hệ thầy trò bị tổn thương khi học sinh cảm nhận sự phân biệt giữa những ai học thêm và không; giữa việc tự nguyên học thêm và ép buộc học thêm.
Dạy thêm tràn lan còn làm suy giảm sức khỏe người thầy, hạn chế thời gian tái tạo sức lao động; thời gian tự học, tự bồi dưỡng sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, gia đình mỗi thầy cô giáo cũng sẽ bị ảnh hưởng vì thời gian quan tâm, chăm sóc gia đình ít đi, thời gian sum họp của gia đình sau một ngày làm việc trở thành thời gian chờ đợi cha mẹ lên lớp dạy thêm.
Đối với xã hội: Chất lượng nguồn nhân lực bị đe dọa và lãng phí cơ hội
Dạy thêm, học thêm tràn lan làm méo mó hệ thống giáo dục, biến việc học thành cuộc đua thành tích thay vì rèn luyện trí tuệ và nhân cách. Sự lệ thuộc vào học thêm làm suy yếu khả năng tự học và thích ứng của thế hệ trẻ, đe dọa chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Những hệ lụy nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan Nhà nước, nhà trường, gia đình và xã hội cần hành động quyết liệt, đồng bộ để đưa giáo dục trở lại đúng quỹ đạo.
Điều này cũng hướng tới mục tiêu phát triển con người toàn diện như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT ngày 3/3/2025: “Xây dựng, phát triển toàn diện người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, có chất lượng, năng lực, ý thức công dân, phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”.
_______________________________________________________