Dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Nhiều thay đổi để thích ứng với quy định mới

Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/ TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, hoạt động dạy thêm, học thêm trong các nhà trường đã có nhiều thay đổi để thích ứng với quy định mới.

Giờ học tại Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn). Ảnh: Minh Quang

Giờ học tại Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn). Ảnh: Minh Quang

Sự chủ động từ các nhà trường

Năm học 2024-2025, Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn) có 1.278 học sinh với 30 lớp. Thực hiện Thông tư 29, nhà trường đã sớm triển khai tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các quy định mới trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Căn cứ quy định của Thông tư 29, nhà trường đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch giáo dục, bổ sung nhiệm vụ hướng dẫn học sinh tự học buổi chiều cho giáo viên các bộ môn, tiến hành giao bài tập, chữa bài tập online cho học sinh.

Xác định chất lượng các giờ học chính khóa là hết sức quan trọng, Ban giám hiệu nhà trường đã tăng cường quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, phát động cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”.

Nhà trường cũng tổ chức họp phụ huynh học sinh để trao đổi và hướng dẫn việc quản lý học sinh các buổi chiều khi học sinh không đến trường, quy định cụ thể giờ tự học của học sinh ở nhà vào các buổi chiều. Tư vấn cho phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn các hình thức bổ trợ thêm kiến thức cho học sinh như: Đăng ký cho con học ở các trung tâm, mua các gói ôn tập online…

Hiện nhà trường đang tổ chức dạy học miễn phí cho 3 đối tượng là học sinh giỏi, học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT và học sinh ở học kỳ 1 có môn chưa đạt. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tận dụng mọi thời gian ở các giờ học chính khóa để rèn luyện, bổ sung và ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12 là giải pháp mà Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Tam Điệp) đang áp dụng sau khi Thông tư 29 có hiệu lực.

Cô giáo Đoàn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: Năm học 2024-2025 nhà trường có 10 lớp 12 với hơn 400 học sinh. Trước sự thay đổi của hoạt động dạy thêm, học thêm theo nội dung Thông tư 29, nhà trường đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao năng lực tự học của học sinh. Hướng dẫn các phần mềm để học sinh tự làm bài tập tại nhà. Trên cơ sở kết quả phần mềm thông báo, học sinh sẽ biết mình làm đúng, chưa đúng ở đâu để tranh thủ giờ lên lớp giáo viên sẽ chữa bài tập.

Theo nguyện vọng của học sinh, nhà trường đã bố trí 2 tiết/ môn/tuần để xếp lịch ôn tập cho học sinh cuối cấp. Mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường đều nêu cao tinh thần tận dụng mọi thời gian trên lớp để giúp học sinh lớp 12 ôn tập kiến thức, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo ghi nhận, thực hiện Thông tư 29, các đơn vị trong toàn ngành Giáo dục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung Thông tư số 29 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh; thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư.

Các nhà trường đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm khoa học, phù hợp với tình hình mới, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí của nhà trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp cuối cấp.

Đồng thời, tăng cường quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa; phát động cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trên tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu; tăng thời lượng dạy học ngoài giờ chính khóa (không thu tiền) để bổ trợ kiến thức, ôn tập cho các đối tượng học sinh được quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 29.

Phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của mỗi giáo viên

Là giáo viên tham gia giảng dạy bộ môn Ngữ văn khối 9, cô giáo Phạm Thị Thơm, Trường THCS Ninh An cho biết: Kiến thức theo Chương trình GDPT 2018 nhiều, mới, thời gian ôn tập buổi chiều giảm như hiện nay là khó khăn rất lớn đối với học sinh nhà trường khi học sinh ở địa phương ít có cơ hội được học thêm ở các trung tâm như học sinh thành phố.

Trước khó khăn trên, mỗi thầy cô trực tiếp giảng dạy các môn thi tuyển sinh lớp 10 đã quan tâm động viên học sinh tự chủ và tích cực hơn trong học tập. Chia sẻ và hướng dẫn học sinh cách ôn tập tại nhà sao cho hiệu quả, khoa học. Như bản thân tôi đã tích cực soạn đề, giao bài tập về nhà cho học sinh trên Zalo của nhóm lớp. Mỗi buổi học tôi đều dành thời gian chữa bài tập về nhà, tăng cường kiểm tra việc ghi chép, làm bài tập của học sinh.

Học sinh Trường THCS Ninh An (thành phố Hoa Lư) trong giờ học chính khóa.

Học sinh Trường THCS Ninh An (thành phố Hoa Lư) trong giờ học chính khóa.

Cô giáo Ngô Kim Thoa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Bình Minh cũng cho biết: Đối với môn Ngữ văn, đề thi năm nay đổi mới hoàn toàn, không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Sự thay đổi này đòi hỏi học sinh phải có kiến thức, kỹ năng làm bài tốt. Tuy nhiên, hiện nay thời gian ôn tập tại trường đã giảm theo quy định của Thông tư 29. Điều này sẽ khó khăn cho học sinh, nhất là đối với những em học sinh có tinh thần tự học chưa tốt.

Trước khó khăn này, để công tác ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 đạt hiệu quả, tôi đã tích cực hướng dẫn cho học sinh phát huy tinh thần tự học, nâng cao khả năng tự học, tự quản lý thời gian học tập tại nhà. Phối hợp với cha mẹ học sinh để làm tốt việc quản lý con em trong thời gian không đến trường.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, các lớp đều lập các nhóm Zalo để giáo viên tăng cường giao bài tập, sát sao với tình hình học tập của học sinh hơn. Hiện giáo viên chúng tôi cùng nhà trường đang xây dựng hệ thống học liệu để hướng dẫn học sinh học tập qua mạng.

Thực tế qua thời gian ngắn triển khai thực hiện Thông tư 29, cùng với những thay đổi trong kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường, đội ngũ giáo viên cũng nâng cao nhận thức, thể hiện rõ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người đồng hành với học sinh của mình, nhất là học sinh cuối cấp trong quá trình ôn tập cho các kỳ thi quan trọng là tuyển sinh lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường đã phát huy được tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hết lòng vì học sinh thân yêu, sẵn sàng dạy miễn phí, tận dụng mọi thời gian trên lớp để hướng dẫn, kèm cặp học sinh của mình, tìm tòi các phương án tối ưu nhất để giúp học sinh ôn tập đạt hiệu quả. Sự tận tâm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên trong các giờ dạy chính khóa chính là yếu tố quan trọng để Thông tư 29 phát huy hiệu quả và được thực hiện nghiêm túc.

Giảm học thêm trong trường có thực sự giảm áp lực cho học sinh?

Theo quy định của Thông tư 29, việc dạy thêm, học thêm tại trường hiện chỉ còn 2 tiết/môn/tuần và cũng chỉ dành cho 3 đối tượng: ôn bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh cuối cấp và học sinh có học lực chưa đạt. Chịu tác động của quy định này, nhiều học sinh cuối cấp mà chúng tôi đã gặp đều có chung tâm tư.

Em Trần Quốc Quân, học sinh lớp 12K, Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn) cho biết: Mọi khi việc ôn tập kiến thức với học sinh chúng em được triển khai vào các buổi chiều nên ôn tập rất kỹ. Em và nhiều bạn không cần đi học thêm ở đâu mà chủ yếu học thêm ở trường là có đủ kiến thức.

Nhưng năm nay là năm cuối cấp cần ôn tập lượng kiến thức lớn thì việc học thêm tại trường chỉ còn 2 tiết/môn/tuần. Trong khi, ở thị trấn Bình Minh xa trung tâm huyện lại rất ít trung tâm dạy thêm và gia đình chúng em ở nông thôn cũng không có điều kiện kinh tế để lựa chọn học thêm tại trung tâm với mức học phí cao hơn ở trường.

Trước quy định này, mặc dù bản thân em đã nâng cao ý thức tự học tại nhà nhưng với lượng kiến thức cũng như những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, em luôn mong muốn được tăng thêm thời gian bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức tại trường…

Em Tống Khánh Linh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Ninh Tiến (thành phố Hoa Lư) chia sẻ: Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, em đã chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức qua các bài giảng trên lớp, qua các bài học tự học ở nhà, qua các tài liệu trên mạng Internet… Trước việc giảm tải học thêm buổi chiều tại trường, em đã nâng cao tinh thần tự học.

Tuy nhiên, sự kèm cặp, hướng dẫn của thầy cô tại trường vẫn là yếu tố hết sức quan trọng để chúng em được bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức. Việc chỉ còn 2 tiết/môn/tuần với 3 môn thi tuyển sinh lớp 10 THPT hiện nay khiến học sinh vùng nông thôn chúng em hết sức lo lắng vì địa phương chúng em không có trung tâm dạy thêm.

Không khó khăn như học sinh vùng nông thôn, học sinh ở thành phố lại có nhiều sự lựa chọn sau khi Thông tư 29 có hiệu lực. Em Bùi Bảo Trang, học sinh lớp 9, Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Hoa Lư) cho biết: Sau khi nhà trường giảm tải việc học thêm buổi chiều theo quy định tại Thông tư 29, em và các bạn đều lựa chọn các trung tâm gần trường để theo học vì chúng em đều có nhu cầu được ôn luyện kiến thức cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Điều mà em và nhiều bạn băn khoăn là học thêm luôn là nhu cầu của học sinh cuối cấp nên khi học thêm trong trường bị giảm tải thì học sinh chỉ còn lựa chọn học thêm ở ngoài trường. Mà học thêm ở trung tâm ngoài nhà trường thì mức học phí cao gấp 2-3 lần so với học thêm trong nhà trường.

Điều mà nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh quan tâm nhất lúc này chính là, bên cạnh những quy định hết sức đúng, trúng trong việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả quy định về dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường, giảm áp lực cho học sinh.

Đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có sự điều chỉnh kịp thời một số quy định của Thông tư 29 sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn các nhà trường, đáp ứng nhu cầu chính đáng được học tập của người dân.

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/day-them-hoc-them-trong-nha-truong-nhieu-thay-doi-de-thich-166921.htm