Dạy thêm tràn lan, trẻ nhỏ chịu quá nhiều áp lực, Bộ Giáo dục liệu có xử lý dứt điểm?

Tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai được 4 năm nhưng tình trạng học sinh hàng ngày phải mải miết tới các lớp học thêm, nhất là với lớp 9 ôn thi vào lớp 10 vẫn tiếp diễn. Theo ghi nhận của PV, nhiều học sinh thậm chí còn lo xa, mới chỉ lớp 7 đã tất bật “chạy đua” với thời gian, gấp rút ôn luyện để vào được những ngôi trường mình mong muốn.

Vào chương trình mới nhưng học sinh vẫn học thêm triền miên

Với mong muốn thi đỗ vào trường công lập, em Phạm Hoàng Uyên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ngay từ dịp hè trước thềm năm học lớp 9 đã ôn tập và tự đặt ra cho mình thời gian biểu ôn luyện khá dày đặc.

Hằng ngày, lịch trình của Hoàng Uyên bắt đầu học chính khóa từ 7 giờ sáng, chiều tham gia các lớp học thêm và buổi tối cũng phải học thêm, tới 9 giờ tối về nhà tiếp tục ôn luyện bài cho ngày hôm sau. Khoảng 1 tháng trước khi thi, em khá căng thẳng và bắt đầu tăng tốc, bên cạnh ôn luyện Toán Văn Anh em tập trung nhiều thời gian rèn luyện môn chuyên hơn.

Tâm sự với PV, Hoàng Uyên nói: “Với lịch trình dày đặc này, em mệt mỏi và vô cùng căng thẳng. Đôi khi em chỉ ăn được ổ bánh mì xong lại lao vào học tiếp. Ngoài ra, có những lần thi thử không được điểm như mong muốn em đã phải nghỉ học 1 tháng và gia đình phải nhờ nhà tâm lý hỗ trợ, can thiệp nhưng may mắn là em đã vượt qua”.

Vừa trải qua kỳ thi quan trọng đầu tiên trong cuộc đời - kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, em Vũ Ngọc Anh Thư (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do khao khát vào trường mình mong ước bắt đầu từ năm lớp 6, nên bản thân em đã ý thức vào việc ôn luyện của bản thân ngay từ những năm đầu cấp. Em học thêm mỗi ngày và gần như lịch học trải dài cả tuần cho tới thứ 7, một ngày của em sẽ bắt đầu vào 7h30 sáng và kết thúc vào gần 12 giờ đêm.

“Khi ôn thi, chương trình học nhiều khiến em rất mệt mỏi, căng thẳng, stress nặng dẫn tới rụng tóc, chán ăn, mất ngủ và khiến em tụt dốc kha khá, vì áp lực và thiếu ngủ mà có một khoảng thời gian điểm thi thử của em chưa tới 40 điểm. Đôi khi em cảm thấy đầu óc không còn minh mẫn, nhớ nhớ, quên quên. Song, thấy bạn bè ai cũng cắm đầu vào học nên lại cố gắng học để đạt được mục tiêu của bản thân và gia đình”, Anh Thư bộc bạch.

Câu nói của bố mẹ: “Đỗ vào trường cấp 3 là con đã đi được 1 nửa chặng đường để vào Đại học”, áp lực này khiến Anh Thư chỉ biết cắm đầu vào học miệt mài, mong sao đỗ được vào trường như mình và gia đình kỳ vọng.

Ban ngày học ở trường, buổi tối nhiều học sinh cuống cuồng đến các trung tâm học thêm, luyện thi (Ảnh: Vietnamnet).

Ban ngày học ở trường, buổi tối nhiều học sinh cuống cuồng đến các trung tâm học thêm, luyện thi (Ảnh: Vietnamnet).

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Nguyễn Thu Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dù 1 năm nữa con mới bước vào kỳ thi chuyển cấp nhưng chị đã quyết định cho con học thêm từ hè để chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 vì nếu không học từ bây giờ thì sẽ không đủ kiến thức. Hiện tại, chị Hà đang cho con học thêm môn Toán và Tiếng Anh vì đó là những môn chính trong kỳ thi chuyển cấp. Dự kiến vào năm học, chị sẽ cho con học thêm môn Văn, Lý và Hóa. Mục tiêu của chị là con thi đỗ vào những trường gần nhà như Trường THPT Việt Đức hoặc THPT Trần Phú.

Chị Hà chia sẻ, thời gian biểu một ngày của con thì gồm học chính khóa buổi sáng các ngày trong tuần, ngoài ra 1 tuần bạn nhỏ sẽ học thêm 2 buổi Toán, 2 buổi Tiếng Anh, 2 buổi lớp nghe nói Tiếng Anh.

“Với lịch trình này tôi thấy khá nhẹ nhàng, nếu vào năm học thì lịch học tăng cường chắc cũng hơi vất vả với con. Bạn nhà tôi không hứng thú với việc học thêm nhưng bố mẹ vẫn luôn bên cạnh động viên con rằng nếu con không học thêm thì chắc chắn là sẽ không đạt được kết quả tốt khi thi, điều kiện hoàn cảnh gia đình mình không thể nào mà học dân lập được nên con phải cố gắng hết sức mình để thi đỗ công lập”, chị Hà nói.

Theo chị Hà, trước mắt bây giờ không có quá nhiều áp lực, chị cũng có khuyến khích con cố gắng hết sức, nếu như môn nào mà chưa ổn thì mẹ sẽ đồng hành bằng cách là có thể giúp đỡ con thuê gia sư.

Nhà trường nên tổ chức lớp học bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu kém

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay. Ông cho rằng, dạy thêm và học thêm là cần thiết nhưng phải được tổ chức một cách hợp lý, tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, gây áp lực cho học sinh.

Do nhu cầu thực tế, những học sinh yếu kém cần có người dạy thêm để giúp đỡ, học sinh giỏi muốn phát triển thêm bản thân, muốn bổ trợ thêm để nâng cao kiến thức,.. thì phải đáp ứng yêu cầu của người học. Tuy nhiên, do thời gian qua việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, để kéo dài quá lâu dẫn đến tình trạng biến tướng.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, thời gian qua việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, để kéo dài quá lâu dẫn đến tình trạng biến tướng. Ảnh: NVCC

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, thời gian qua việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, để kéo dài quá lâu dẫn đến tình trạng biến tướng. Ảnh: NVCC

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay việc dạy thêm, học thêm đang có hai vấn đề lớn:

Thứ nhất, áp lực điểm số và thành tích khiến phụ huynh và học sinh buộc phải chạy đua vào các lớp học thêm. Nhiều cha mẹ mắc bệnh thành tích, so sánh người này với người kia, bắt con mình phải hơn con người khác dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Phụ huynh bắt con học ngày, học đêm, học cả ngày nghỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển của các em học sinh mà trước mắt họ chưa thể nhìn thấy hết được tác hại đó. Học sinh mới chỉ cấp 1, cấp 2 mà học như “chạy marathon”, đến đại học thì lại học thong thả, vui chơi, như vậy là không đúng với quy luật phát triển của con người.

Thứ hai, có hiện tượng một số giáo viên lợi dụng dùng điểm số, kiểm tra để “ép” học sinh đi học thêm, khiến các bậc phụ huynh phải “chạy” theo.

“Tất cả việc dạy thêm, học thêm của học sinh kể cả giỏi hay kém cũng chỉ có giai đoạn nhất định. Sau đó để các em có thời gian bồi đắp lại kiến thức, tự học mới là điều quan trọng chứ không phải dạy thêm, học thêm hết “ngày dài cho đến đêm thâu”. Như thế làm học sinh ỉ lại, xói mòn đi tư duy độc lập khả năng làm việc của cá nhân các em là rất nguy hiểm”, thầy Lâm nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nếu đẩy mạnh dạy thêm trong nhà trường cho các học sinh yếu thì các phụ huynh sẽ càng yên tâm. Do đó, nhà trường nên tổ chức các lớp học bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu kém, việc dạy thêm nên tập trung vào việc nâng cao kỹ năng học tập, phương pháp học tập hiệu quả thay vì chỉ chú trọng vào điểm số. Điều này sẽ giúp các em phát triển toàn diện hơn và giảm thiểu tình trạng học tủ, học vẹt.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc học nên là một quá trình vui vẻ và khám phá. Chúng ta cần tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, nơi mà học sinh được khuyến khích phát triển toàn diện. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, dần dần xóa bỏ tình trạng dạy thêm tràn lan.

“Việc học không chỉ là để đạt điểm cao mà còn là để phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Do đó, phụ huynh phải thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, không nên quá chú trọng vào điểm số và thành tích, so sánh con với con nhà người khác mà hãy tạo điều kiện để con cái mình được học hỏi, khám phá và trải nghiệm”, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Bên cạnh đó, giáo viên cần có sự thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy. Thay vì nhồi nhét kiến thức, giáo viên nên tập trung vào việc giảm tải chương trình, gắn lý thuyết với thực tế cuộc sống và rèn luyện tư duy cho học sinh. Các đề thi cũng cần được thiết kế một cách khoa học, tập trung vào kiến thức cơ bản và khả năng tư duy của học sinh.

Đồng thời, các Sở Giáo dục và Đào tạo cho tới các Phòng GD&ĐT cần có những quy định rõ ràng về việc ra đề thi và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc ra đề để đảm bảo các đề thi không vượt quá khả năng của học sinh. Để đảm bảo chất lượng các đề thi, cần có sự tham gia của những người có chuyên môn để xây dựng đề thi phù hợp với từng cấp học.

Đối với học sinh cấp 1 và đầu cấp 2, việc học thêm không thực sự cần thiết. Chỉ khi lên lớp 8, 9, khi các em bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, thì mới cần có sự hỗ trợ của giáo viên trong một số buổi học nhất định, dưới sự giám sát chặt chẽ của hiệu trưởng.

Bộ GD&ĐT cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ quá trình đổi mới này, tức là phải có kinh phí để chi cho các thầy cô khi dạy thêm cho học sinh, hướng dẫn cho học sinh tự phát triển, học tập tốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở GD&ĐT cần đổi mới hơn nữa để giảm dần tình trạng dạy thêm thêm tràn lan, vô lối, và trên hết, hãy trả lại tuổi học trò đúng nghĩa và tạo cơ hội cho trẻ phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn ngoài khuôn viên trường học, ngoài sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp phụ huynh cũng không muốn cho con đi học thêm, nhưng bị thầy cô giáo dùng điểm số, kiểm tra để “ép” học sinh đi học thêm. Vấn đề này chúng ta cần quán triệt, Bộ và các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm để đảm bảo chất lượng và tránh tình trạng lợi dụng để thu lợi bất chính.

Phụ huynh cần thay đổi nhận thức về thành công trong học tập

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, số lượng các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của thí sinh vào lớp 10 dẫn đến áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh, đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới dạy thêm tràn lan.

TS. Hoàng Trung Học: "Việc học thêm quá nhiều đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của học sinh. Các em bị cuốn vào vòng xoáy học tập không ngừng nghỉ, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và mất đi thời gian để vui chơi, khám phá bản thân".

TS. Hoàng Trung Học: "Việc học thêm quá nhiều đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của học sinh. Các em bị cuốn vào vòng xoáy học tập không ngừng nghỉ, dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và mất đi thời gian để vui chơi, khám phá bản thân".

TS. Hoàng Trung Học đưa ra lời khuyên, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con bởi điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con. Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu hợp lý. Song song với sự động viên, khích lệ, giúp con sắp xếp thời gian ôn thi hợp lý, cha mẹ nên định hướng con tham gia hoạt động ngoại khóa, giúp con có sức khỏe tâm thần tốt hơn và giúp đầu óc tỉnh táo, học tập hiệu quả hơn.

Vấn đề học thêm và định hướng nghề nghiệp là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Việc thay đổi nhận thức, quan niệm về thành công trong học tập và vai trò của trường cấp 3 cần được thay đổi để phù hợp với thực tế và hỗ trợ tâm lý cho học sinh là những giải pháp cần thiết để giúp các em phát triển toàn diện.

Đây là một kỳ thi rất quan trọng với con nên là cha mẹ phải luôn lắng nghe, chia sẻ và động viên, đồng hành cùng con. Đặc biệt đối với kỳ thi chuyển cấp, cha mẹ cần làm tốt công tác hướng nghiệp từ cấp tiểu học để học sinh hiểu rõ về bản thân và các lựa chọn nghề nghiệp.

Trong quá trình đồng hành cùng con, cha mẹ phải chuẩn bị phương án dự phòng, cần có kế hoạch B để giúp con vượt qua khủng hoảng nếu không đạt được mục tiêu ban đầu. Ngoài ra, cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con, chăm sóc sức khỏe cho con, dinh dưỡng tốt và nghỉ ngơi đầy đủ là yếu tố quan trọng để con có thể học tập hiệu quả.

Sự ủng hộ tâm lý từ phụ huynh là tốt nhất để con có một kỳ thi như ý. Đặc biệt cần kết hợp, trao đổi với giáo viên để lắng nghe ý kiến tư vấn trong nhà trường để có định hướng, tư vấn cho con một con đường học tập phù hợp.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/day-them-tran-lan-tre-nho-chiu-qua-nhieu-ap-luc-bo-giao-duc-lieu-co-xu-ly-dut-diem-d4923.html