Dạy thêm và học thêm là cần thiết nhưng phải tránh tiêu cực

Bạn đọc cho rằng việc dạy thêm và học thêm là nhu cầu chính đáng của người học và người dạy nhưng cần quy định rõ ràng để tránh tiêu cực.

Trong tuần qua, thông tin về dự thảo thông tư thay thế Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm và học thêm đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Theo dự thảo, giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường. Giáo viên chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất cứ hình thức nào ép các em học thêm.

Trong khi hiện nay, theo thông tư 17/2012 thì giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng.

Nhiều bạn đọc cho rằng việc dạy thêm và học thêm là nhu cầu chính đáng của người học và người dạy. Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng hơn để tránh tiêu cực khi dạy thêm.

Dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật

Bạn đọc Quốc Đại bình luận: “Dạy thêm, học thêm là quyền lợi của giáo viên và học sinh. Học sinh có quyền học thêm, rèn luyện thêm kiến thức, giáo viên có quyền làm thêm để tăng thêm thu nhập. Học thêm giúp học sinh có thể ôn luyện bài tập, học được đầy đủ các dạng bài tập trên lớp không dạy. Giáo viên cũng có thể dạy kĩ hơn cho học sinh vào giờ dạy thêm. Miễn giáo viên dạy thêm đóng thuế đầy đủ, thực hiện đúng các quy định thì có quyền dạy thêm học sinh lớp chính khóa của mình.

Giáo viên cũng phải tốn công sức để chuẩn bị bài dạy thêm và thực hiện giảng dạy thật tốt nên thu nhập dành cho giáo viên dạy thêm là hoàn toàn hợp lí. Nếu giáo viên dạy thêm mà học sinh vẫn điểm số thấp thì học sinh tự động không học tiếp, nên học sinh theo học giáo viên của mình chứng tỏ giáo viên dạy giỏi”.

“Có thể thấy rằng học thêm là một nhu cầu có thật của học sinh. Đối với những học sinh muốn học từ yếu lên trung bình, từ khá lên giỏi thì học thêm thật sự rất tốt. Đồng thời, học sinh nếu được học thầy cô ở trong lớp thì càng tốt bởi chỉ những thầy cô này mới biết học sinh yếu kém ở đâu mà ôn luyện lại. Theo tôi, dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT không những đã "cởi trói" cho nhiều giáo viên, học sinh mà còn giúp hoạt động dạy và học thêm được nghiêm túc hơn”- bạn đọc Trần Hùng chia sẻ.

 Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý. (Ảnh minh họa: TT)

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý. (Ảnh minh họa: TT)

Còn theo bạn đọc Thúy Hà: “Theo tôi nghĩ với chất lượng giảng dạy của các thầy cô hiện nay thì chỉ cần học sinh học trên lớp là đủ. Tuy nhiên, đối với con tôi, gia đình tôi đặt mục tiêu để cháu được học trường công tiên tiến có một số chỉ tiêu đầu vào. Vì thế, tôi muốn con tôi đạt kết quả cao trong học tập. Trong khi tôi không khả năng để dạy con tôi ở nhà thì việc dạy thêm là cách tốt nhất để giúp con có kết quả học tập tốt hơn”.

Phải có giải pháp tránh tiêu cực

Bạn đọc Hằng Nguyễn ý kiến: “Ai có thể quản lý được việc thầy cô không đưa các ví dụ, bài tập trong lớp học thêm vào đề kiểm tra. Và để tránh tình trạng này, đề nghị ngành giáo dục nên nghiên cứu quy định phòng, sở giáo dục ra đề thi chung xuống cho các trường vào các kỳ kiểm tra, thi đánh giá chứ không để trường tự ra đề. Có như thế mới đánh giá đúng chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Đồng thời hạn chế tình trạng mớm bài, dạy trước đề làm mất công bằng giữa học sinh đi học thêm cô chủ nhiệm và không học thêm”.

“Theo quan điểm của tôi cần xem lại quy định về dạy thêm và học thêm vì một số lý do. Thứ nhất, không cho dạy thêm cho học sinh chính khóa, ai mà dạy chính khóa trên lớp, xong lại dạy thêm ở nhà là không được vì như vậy chẳng khác gì dạy không hết trách nhiệm của thầy cô.

Thứ hai, đã dạy thêm thì phải đăng ký như bác sĩ khám chữa bệnh bắt buộc có giấy phép hành nghề đàng hoàng.

Thứ ba, hãy để cho các em có tính tự giác trong học tập phát huy tài năng của các cháu, không nên vì lý do này lý do khác để gò ép các cháu, làm khó các cháu trong quá trình học tập. Đồng thời, cần đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ai muốn dạy phải đăng ký giấy phép hoạt động, có đủ cơ sở vật chất và công khai mức thu và nộp thuế cho nhà nước”- bạn đọc Minh Anh nêu ý kiến.

Trong khi đó, bạn đọc Dương Cát nói: “Trong suốt quá trình học phổ thông giúp tôi biết tại sao phải dạy thêm và học thêm. Nguyên nhân chính từ bệnh thành tích muốn điểm cao hơn. Nên chăng giáo dục các em tính tự học, thầy cô có thể cho thêm bài tập, chứ học thêm cực quá, tốn nhiều tiền. Tội nhất là các em không có điều kiện học thêm sẽ thua thiệt với các bạn trong lớp”.

VÕ HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/day-them-va-hoc-them-la-can-thiet-nhung-phai-tranh-tieu-cuc-post807771.html