Dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài còn nhiều bất cập
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Lê Thị Hằng, việc tổ chức dạy, học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài còn gặp nhiều bất cập. Phần đông những người sử dụng thành thạo tiếng Việt trong cộng đồng đang già đi, khiến nguy cơ mai một ngôn ngữ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tăng cao.
Ngày 5/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Những năm qua, việc đẩy mạnh công tác dạy và học học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng bằng việc ban hành những chính sách, đầu tư triển khai một cách thiết thực, hiệu quả, nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Lê Thị Hằng cho biết, để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các nghị quyết, đề án bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật chương trình, tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt.
Để công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả, các cơ quan liên quan trong nước luôn phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước và các hội người Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kiều bào về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt. Đồng thời, vận động bà con khuyến khích con em tham gia học tiếng Việt.
Thường xuyên thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về các hoạt động hỗ trợ, dạy học tiếng Việt được tổ chức ở trong nước. Tổ chức các hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các giáo viên, học sinh kiều bào có đóng góp tích cực cho phong trào dạy và học tiếng Việt.
Nhằm cung cấp tài liệu học tập và tập huấn cho việc dạy, học tiếng Việt người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ GDĐT đã biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành các bộ sách, chương trình, giáo trình, tài liệu nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập tiếng Việt của kiểu bào ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ GDĐT phối hợp với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đó, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại các nước sở tại.
Việc tổ chức dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài còn gặp nhiều bất cập
Mặc dù đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên triển khai nhưng theo Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng, nhìn thẳng vào thực tế, việc tổ chức dạy, học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài còn gặp nhiều bất cập. Phần đông những người sử dụng thành thạo tiếng Việt trong cộng đồng đang già đi, khiến nguy cơ mai một ngôn ngữ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tăng cao.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không có kinh nghiệm sư phạm nên việc truyền đạt kiến thức cho học sinh còn nhiều hạn chế.
Do đó, hội thảo hôm nay được tổ chức như một hình thức sinh hoạt chuyên môn để trao đổi kinh nghiệm, hiệu quả của các phương pháp dạy học mới trong dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Đề xuất vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực vào dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài
Theo Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) Đinh Hoàng Linh, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ chính là sức mạnh, tài sản vô hình của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng để gắn kết giữa các cộng đồng với nhau. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam khi hàng ngàn năm văn hóa được cô đọng trong ngôn ngữ tiếng Việt.
"Chính vì vậy, việc giữ gìn, nuôi dưỡng và phát triển tiếng Việt là điều cần thiết đối với người Việt và đối với người Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng". Ông Linh chia sẻ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên, kiều bào đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị liên quan đến vận dụng một số phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực vào dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; phát triển công tác tuyên truyền, truyền thông; tích hợp trải nghiệm văn hóa trong dạy học tiếng Việt cho con em Việt kiều.