Dạy tiếng Việt ở xứ người

Năm 1979, lần đầu tiên Đại học Paris 7 Pháp mời chuyên gia Đại học Tổng hợp Hà Nội sang dạy tiếng Việt cho Khoa Đông phương và tôi được lựa chọn. Tự đáy lòng tôi nghĩ đây là dịp may mắn đặc biệt và tôi phải cố gắng dạy tốt và tự nâng cao trình độ.

Ban ngày là giảng viên nhưng chiều và tối lại là học trò đi dự những chuyên đề mình quan tâm ở những trường khác. Tôi dạy năm thứ hai cho những sinh viên đã biết ít nhiều về tiếng Việt. Không sẵn giáo trình, phải tự chọn những bài đọc, giảng và phân tích những hiện tượng tiếng Việt trong đó. Đây là một công việc khó khăn nhưng thú vị, nhờ đó mình đào sâu và phát hiện được những hiện tượng tiếng Việt đặc sắc. Dịp đem chuông (tiếng Việt) đi đấm xứ người này để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Đầu tiên là một kỷ niệm ngoài chuyên môn. Ông Hiệu phó của Paris 7 tiếp tôi ngay tuần lễ đầu tiên, hỏi han về tình hình sinh hoạt, giảng dạy, nguyện vọng... Không hiểu sao tôi lại nói chuyện thiệt thòi của những giáo viên dạy khoa học xã hội Việt Nam là không được đi nước ngoài nghiên cứu thêm bởi “Việt Nam chỉ cần đi các nước khác học về khoa học tự nhiên và kỹ thuật còn khoa học xã hội thì chẳng cần đi đâu cả vì Việt Nam là nhất”. Giá mà Paris 7 mời những giảng viên văn học Pháp của Hà Nội sang đây...

Nghĩ sao nói vây, tôi chẳng có cương vị gì mà đề nghị vượt quyền như vậy và cũng không sợ vạ miệng. Tính cách này sau đó từng gây ra những khốn đốn đeo đuổi tôi mãi. Thôi kệ, mình vẫn cứ phải là mình. Không ngờ, mấy năm sau lần lượt các anh chị nghiên cứu văn học Pháp ở khoa tôi lần lượt được đi nghiên cứu ở Paris, từ những nhà nghiên cứu hàng đầu Đ.Đ.H, Đ.T.H, L.H.S, N.V.K tới những anh em trẻ khác. Nhiều anh em Khoa Ngữ văn đã ghi nhận điều này vào sách và báo, rằng tôi đã làm một việc tử tế, đi dạy ở nước ngoài vẫn biết quan tâm tới người khác.

Bản thảo công trình Từ điển tần số tiếng Việt được đưa cho giáo sư đầu ngành ngôn ngữ học A.Culioli ở Paris 7 xem và hỏi có thể in được không. Tôi rất tự tin về cách xây dựng chặt chẽ và khoa học trong công trình này. Mấy ngày sau ông gọi lên trả lời là “được” và ông đề nghị trường cấp kinh phí 20.000 frăng để in quyển này. Thế là công trình đầu tay, cộng tác với một số sinh viên tôi hướng dẫn luận văn, với lời giới thiệu nội dung, phương pháp xây dựng và cách tổ chức quyển từ điển... (viết bằng tiếng Pháp) được in: Dictionnaire de fréquence du vietnamien, 326 trang; nxb Université de Paris VII, Paris, 1980.

Kể ra chuyện này vì đây là một công trình đầu tiên về ngôn ngữ học ở Việt Nam mà thầy đã ghi rõ ràng họ tên của những học trò đã góp phần trong quyển sách. Đây cũng là một việc làm tử tế. Sau này, tôi còn nhiều bài báo trên những tạp chí có chất lượng ở Việt Nam viết chung với sinh viên. Phần lớn do tôi trực tiếp viết chứ không phải học trò viết rồi thầy nhảy vô đứng tên chung.

Dạy và học tiếng Việt ở Hanoi language & culture academy Ảnh: VĂN PHẠM

Dạy và học tiếng Việt ở Hanoi language & culture academy Ảnh: VĂN PHẠM

Đầu xuôi đuôi lọt. Paris 7 tiếp tục mời giảng viên tiếng Việt ở Hà Nội rồi TPHCM sang đó dạy nhiều năm nữa. Việt Nam nổi lên nhờ đó tiếng Việt cũng được nhiều nước quan tâm hơn. Ngoài Pháp, các nước Mỹ, Ba Lan, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Brunei..., cũng mời chuyên gia Việt Nam sang dạy. Có điều về sau phần lớn những người đi dạy là do quan hệ thân quen, thậm chí là bồ bịch cũ... không mấy hiểu biết về tiếng Việt, trong nước chỉ dạy văn, sử, địa... ra nước ngoài thành những “chuyên gia” tiếng Việt.

Kỷ niệm về chuyên môn thì nhiều

Nhiều câu ghép, đặc biệt nhiều trong tục ngữ, không thể phân tích ra chủ ngữ, vị ngữ như thế nào cho đúng. Phải cố gắng tìm những quy luật về loại câu này. Tôi tin rằng có những quy luật nào đó mình chưa phát hiện mà thôi.

Ai cũng biết từ tiếng Việt không biến đổi khi nói năng viết lách. Với 5 từ nó, bảo, sao, không, đến (ví dụ của Lê Văn Lý) là đã tạo ra được chừng 40 câu khác nhau rồi: Nó bảo sao không đến; Nó bảo sao đến không; Nó bảo không sao đến; Nó bảo không đến sao?; Nó bảo đến sao không? Nó bảo đến không sao? Rồi Bảo nó... Vậy thì trật tự từ đặc biệt quan trọng.

Một lần dạy bài Tết Trung thu, trong đó có câu “Trẻ em nô đùa, đánh vòng quanh sân”. Giải thích cụm đánh vòng sẽ rắc rối. Khái quát luôn là tốt nhất: Tiếng Việt dùng từ “chơi” cho các trò thể thao. Trò chơi nào dùng tay thì gọi là đánh, trò chơi nào dùng chân thì gọi là đá. Những cuộc thi về tốc độ thì gọi là đua. Thế là sinh viên tự nói luôn được những câu chưa được học: đánh tennis; đánh bi-a, đánh bóng bàn, đánh cầu lông, đánh cờ... đá banh, đá cầu... Đua xe đạp, đua ngựa, đua thuyền...

Mới đây (tháng 10-2022) trên báo TT kể câu chuyện một em bé Việt Nam ở nước ngoài đòi bố mẹ phải nói “Tôi có một đứa con và một đứa chó”. Kiểu sai này liên quan đến đặc điểm tiếng Việt có loại từ (classifiers) còn tiếng Anh, tiếng Pháp thì không. Chữa loại sai này khá dễ. Chỉ cần nói đứa là một loại từ chỉ người hạng dưới. Chó là loài vật nên xếp vào hạng con. Khi ai đó rơi xuống hạng “con” thì chỉ còn giá trị của con vật nói tiếng người. Trong bài Ca sĩ không học chỉ là con hát Phan Thu Lan viết: Nếu các em đã chọn con đường hoạt động âm nhạc, nhất định phải có kiến thức mọi mặt, cơ bản về âm nhạc, nếu không sẽ chỉ là “con hát” (SGTT, 16-12-2013).

Các quy tắc ngữ pháp mình cố gắng nêu thành quy tắc càng đơn giản và khái quát, nếu kèm được cả hình vẽ thì càng tốt. Quan hệ nhân quả và ngược nhân quả rất quan trọng trong tiếng Việt. Chúng ta dễ dàng nhận ra những quan hệ này như trẻ thì khỏe, thì nhanh nhẹn, thì nhớ lâu, thì tóc đen. Còn già thì yếu, thì chậm chạp, thì chóng quên, thì tóc bạc. Nhưng có những hiện tượng ngược đời. Có người già mà vẫn khỏe, vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ vẫn tốt... Có thể gọi những quan hệ ngược đời này là nghịch nhân quả (NNQ).

Tôi thích thú phát hiện ra quan hệ NNQ này được thể hiện rất đơn giản trong tiếng Việt: thành cặp. Chúng ta có thể trình bày rất hình thức. Gọi nhân là n còn quả là q. Quan hệ nhân quả là nếu x1 thì q1, nếu x2 thì q2. Còn quan hệ NNQ là ngược đời: Trong lần anh N.H.H bảo vệ luận văn, giáo sư N.T.C hỏi tôi: - Ông giải thích thế nào về câu “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”? Tôi đáp: - Ngữ pháp, ngữ nghĩa câu này thể hiện qua cặp từ chưa - đã. Nguyên nhân chưa xảy ra mà kết quả đã xảy ra. Đây là kiểu NNQ sớm: Chưa x2 đã q2; mới x1 đã q2; “Mới thấy đó đã chết đó” là cách nói của nhiều người về đột tử, một cái chết bất ngờ… (TT, 13-4-2010); Còn x1 đã q2, Còn trẻ mà đã lú lẫn. Kiểu NNQ muộn lại là nguyên nhân đã xảy ra mà kết quả vẫn chưa xảy ra. Đã x2 vẫn còn q1, Đã già còn dại; Đã x2 vẫn chưa q2; Học đã sôi cơm nhưng chửa chín, /Thi không ngậm ớt thế mà cay. (thơ Tú Xương).

Dễ dàng vẽ những cặp từ trên đây thành sơ đồ. Trong NNQ muộn từ đã đứng trước; Trong NNQ sớm từ đã đứng sau.

Gs.ts NGUYỄN ĐỨC DÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/day-tieng-viet-o-xu-nguoi_142642.html