Dạy trẻ biết cho đi theo từng độ tuổi
Hầu hết cha mẹ đều muốn nuôi dạy con mình trở thành người tử tế, biết đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn.
Một trong những cách để khuyến khích điều đó là dạy trẻ về việc từ thiện. Điều đó bao gồm từ việc chia sẻ đồ chơi, đến việc mời bạn tham gia trò chơi trong giờ giải lao...
Không có đứa trẻ nào quá nhỏ để tham gia tình nguyện. Theo Tiến sĩ Y khoa Joseph F. Hagan Jr., Giáo sư lâm sàng nhi khoa tại Cao đẳng Y khoa Larner thuộc Đại học Vermont cho biết, thực tế, trong những năm chập chững biết đi và vào mẫu giáo, việc trở thành người biết chia sẻ sẽ hình thành nên ý thức đạo đức đang phát triển của trẻ.
Chuyên gia này cho rằng, cha mẹ hãy giúp khơi dậy lòng vị tha suốt đời ở trẻ, bằng những ý tưởng dành riêng cho từng độ tuổi.
Ý tưởng tình nguyện cho trẻ từ 2 - 4 tuổi
Phụ huynh có thể hái hoa dại cùng con, bó chúng lại và cùng nhau tặng bó hoa cho một người bạn, một thành viên gia đình hoặc hàng xóm - những người có thể đang cần sự động viên. Phụ huynh cũng nên khuyến khích trẻ chú ý tới người bạn đang chơi một mình. Sau đó, trẻ có thể yêu cầu tham gia cùng người bạn này.
Các thành viên trong gia đình cũng có thể cùng nhau chọn những thực phẩm không dễ hỏng từ tủ lạnh. Sau đó, đóng gói các thực phẩm này và gửi tới ngân hàng thực phẩm địa phương.
Cha mẹ cũng có thể cân nhắc việc gợi ý cho trẻ bỏ một món đồ vào hộp mỗi ngày cho đến Giáng sinh. Các sản phẩm từ sữa và protein, đồ đóng hộp là những lựa chọn tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý hãy liên hệ với các tổ chức từ thiện tại địa phương để hỏi xem các trẻ cần gì nhất.
Hãy tận dụng sở thích phân loại của trẻ mới biết đi và yêu cầu con giúp cha mẹ bỏ đồ tái chế vào thùng rác. Đây là cơ hội tốt để phụ huynh tự nhắc nhở bản thân về các loại nhựa và giấy có thể cũng như không thể tái chế.
Một ý tưởng khác là đặt hai lọ đựng tiền xu trong phòng của trẻ và đưa cho con tiền lẻ. Khi lọ đầy, hãy giúp trẻ chọn một món quà mà cho bạn của con và một món quà cho con vì đã có hành động tốt. Cha mẹ cũng có thể viết “Cảm ơn!” trên các tấm thiệp để bé tô màu. Sau đó, mang theo bên mình để tặng cho những người lao động hoặc cựu chiến binh mà cả gia đình gặp.
Các thành viên trong gia đình cũng có thể cùng nhau trang trí túi đựng đồ ăn trưa bằng giấy và tấm lót thực phẩm theo chủ đề ngày lễ. Sau đó, cùng trẻ quyên góp đồ thủ công cho viện dưỡng lão địa phương hoặc tổ chức từ thiện.
Ý tưởng tình nguyện cho lứa tuổi từ 5 - 7
Trước khi trẻ cắt tóc, phụ huynh hãy hỏi con xem bé có muốn quyên góp không.
Phụ huynh có thể khuyến khích con tạo ra một hộp chứa những món đồ chơi đã cũ, sau đó quyên góp cho một trung tâm dịch vụ xã hội.
Cha mẹ và trẻ cũng nên xem các ý tưởng quyên góp trên Internet, nơi có thể tìm thấy hướng dẫn dễ dàng.
Một ý tưởng khác là chọn loài động vật yêu thích của trẻ trong số hơn 100 loài động vật đang bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng. Trẻ có thể vẽ tranh về loài động vật đó để đổi lấy tiền quyên góp từ bạn bè và gia đình. Sau đó, sử dụng số tiền đó để làm từ thiện.
Cha mẹ cũng có thể cùng trẻ thu thập sách cũ và giúp con bé xây dựng một thư viện cho mượn sách miễn phí bên ngoài nhà. Khi đó, hàng xóm có thể ghé qua để mượn và chia sẻ sách miễn phí.
Ý tưởng tình nguyện cho trẻ từ 8 tuổi trở lên
Cha mẹ và trẻ có thể cùng tìm hiểu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Sau đó, yêu cầu con chọn một loài động vật để vẽ và viết một lá thư khuyến khích các nhà lãnh đạo ủng hộ chính sách bảo tồn loài này.
Trẻ ở lứa tuổi này cũng có thể cùng các bạn tổ chức một buổi dọn dẹp bãi biển. Hoặc, cha mẹ hãy khuyến khích con bắt đầu một chiến dịch quyên góp đồ dùng học tập cùng bạn bè và gia đình.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để cha mẹ dạy trẻ về tầm quan trọng của việc làm từ thiện và đền đáp. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu khuyến khích trẻ thực hành từ thiện tới những người đang cần.
Nuôi dưỡng lòng hào phóng và dạy trẻ về tầm quan trọng của việc từ thiện ngay từ khi còn nhỏ có thể giúp trẻ tạo ra tác động có ý nghĩa đến cuộc sống của người khác. Tham gia vào các hoạt động từ thiện cũng có thể có ảnh hưởng tích cực đến trẻ em và giúp bé phát triển nhiều kỹ năng sống có giá trị.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số lợi ích của việc dạy trẻ về tầm quan trọng của hành động thiện nguyện:
1. Nuôi dưỡng lòng tốt và lòng trắc ẩn
Một trong điều tuyệt vời nhất của việc làm cha mẹ hoặc người chăm sóc là chứng kiến con mình lớn lên thành một người tốt bụng và chu đáo. Hầu hết trẻ nhỏ đều tốt bụng và là những người giúp đỡ nhiệt tình. Tuy nhiên, bất kỳ ai đã nuôi dạy trẻ có lẽ sẽ đồng ý rằng, đôi khi, các bé cũng có thể trở nên ích kỷ. Song, đó không phải là lỗi của trẻ. Điều đó thực sự đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh.
Mặc dù lòng tốt có thể đến một cách tự nhiên với nhiều trẻ nhỏ, nhưng sự đồng cảm thực sự đối với người khác thường là điều mà các bé phải phát triển thông qua kinh nghiệm.
Lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và sự hào phóng đều là những giá trị quan trọng mà trẻ em thực hành khi giúp đỡ những người gặp khó khăn. Điều này cho phép trẻ phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhu cầu của người khác và thường là nhu cầu của chính mình.
Do đó, phụ huynh cần nuôi dưỡng năng khiếu tự nhiên muốn giúp đỡ của trẻ em, khuyến khích con trở thành người lớn tốt bụng, chu đáo và giàu lòng trắc ẩn.
2. Truyền đạt những đặc điểm tính cách tích cực
Tương tự, việc giúp đỡ người khác có thể có lợi cho sự phát triển cảm xúc của trẻ nhỏ. Đồng thời, giúp trẻ phát triển một số đặc điểm tính cách tích cực khác như: Trách nhiệm, sự hào phóng, sự tôn trọng, tính trung thực, sự lạc quan, công bằng và nhiều hơn nữa. Việc làm từ thiện cũng cho phép trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội, như làm việc nhóm, giao tiếp, đặt mục tiêu và nhiều hơn thế nữa.
3. Kết nối với cộng đồng
Có ý thức về cộng đồng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo trẻ nhỏ lớn lên sẽ cảm thấy an toàn và được hỗ trợ. Khi trẻ em bắt đầu tham gia vào các hoạt động tình nguyện, từ thiện và giúp đỡ những người gặp khó khăn, bé cũng có ý thức đầu tư nhiều hơn vào cộng đồng địa phương của mình. Điều này giúp trẻ phát triển mối liên hệ sâu sắc hơn với nơi mình sinh ra và củng cố cảm giác được thuộc về.
Những trải nghiệm này cũng cho phép trẻ kết nối với các trẻ em và gia đình khác có hoàn cảnh đa dạng. Điều này dạy trẻ cách tôn trọng hơn những người có hoàn cảnh khác với mình. Đồng thời, vun đắp các mối quan hệ có ý nghĩa để xây dựng mạng lưới hỗ trợ vững chắc.
4. Xây dựng lòng tự trọng
Nếu cha mẹ từng cảm thấy phấn khích khi ai đó mở món quà mình tặng họ, hoặc vui sướng khi giúp được ai đó, thì phụ huynh đều biết rằng, làm điều tốt thật tuyệt. Việc biết rằng, hành động tử tế nhỏ bé của mình đã mang lại lợi ích cho ai đó có thể vô cùng viên mãn và mang lại cảm giác tuyệt vời. Cảm giác này cũng không khác đối với trẻ em.
Có thể thấy rằng, sự quan tâm và nỗ lực của mỗi cá nhân thực sự có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của ai đó. Điều đó có thể là động lực to lớn cho sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ. Việc làm từ thiện chứng minh rằng, trẻ có thể biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn, củng cố sự tự tin vào bản thân. Hành động đó cũng trao quyền cho trẻ muốn được giúp đỡ nhiều hơn nữa.
5. Dạy trẻ lòng biết ơn
Từ thiện chính là giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Khi trẻ em biết rằng, một số người không may mắn như mình, bé sẽ phát triển sự hiểu biết và lòng biết ơn đối với những thứ mình có. Thông thường, điều này không chỉ dạy trẻ em trân trọng các nguồn lực và cơ hội mà bé có, mà còn truyền cho chúng lòng biết ơn đối với những gì người khác làm cho mình.
Nếu phụ huynh khen ngợi con bất cứ khi nào trẻ làm điều gì đó tử tế cho người khác, bé sẽ cảm thấy được khuyến khích từ việc cho đi. Điều này thậm chí có thể mạnh mẽ hơn khi phụ huynh hỏi về cảm giác của trẻ khi làm những việc có ích cho xã hội. Khi đó, trẻ nhận được những lợi ích về tâm lý và bài học về sự đồng cảm.
Theo Parents; Cmosc
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-tre-biet-cho-di-theo-tung-do-tuoi-post702842.html