Dạy trẻ làm quen sách từ 3 tháng tuổi
Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, nên cho trẻ tiếp xúc và đọc sách cho chúng nghe ngay từ khi vừa 3 tháng tuổi. Đây là khoảng thời gian mà trẻ bắt đầu biết thích thú ngắm những cuốn sách cùng với mẹ.
Kích thích tư duy, nâng cao giao tiếp
Vừa sinh con gái đầu lòng, chị Nguyễn Hoàng Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn cố gắng tìm mọi điều tốt đẹp nhất cho con. Bên cạnh việc nuôi con khoa học với chế độ ăn ngủ, chơi hợp lý, chị còn tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm bằng cách kích thích tư duy của trẻ bằng cách đọc sách.
Mới 2 tháng tuổi, bé Gạo đã được mẹ cho tiếp xúc với các chữ cái, chữ số, hình ảnh khác nhau. Khi con 3 tháng tuổi, chị cho con tiếp xúc với những cuốn sách Ehon dành cho trẻ sơ sinh.
Chị Hoàng Anh cho biết, việc cho trẻ tiếp cận với sách không chỉ là cách tương tác giữa mẹ và con mà còn giúp trẻ yêu thích sách, phát triển tư duy tốt hơn.
Mặc dù khá bận rộn, song chị Nguyễn Thu Trang (Long Biên, Hà Nội) vẫn dành 30 phút mỗi tối để đọc sách. Cuối tuần, thay vì cho con đi nhà bóng, siêu thị… vợ chồng chị đưa con đến các nhà sách và khuyến khích con lựa chọn cuốn sách mà con yêu thích.
Theo chị, để khuyến khích tình yêu sách cho cậu con trai 3 tuổi, đầu tiên, cha mẹ phải làm gương cho con. "Con trai tôi tối nào cũng bảo mẹ đọc 1 cuốn sách nhỏ trước khi đi ngủ" - chị tâm sự.
Nghe đọc sách giúp bé xây dựng được vốn từ vựng, kích thích trí tưởng tượng và nâng cao khả năng giao tiếp cho trẻ. Những điều mà cha mẹ đọc cho con nghe sẽ tốt hơn cho sự phát triển và tăng trưởng của bé.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng ngôn ngữ, trí tuệ có liên quan đến nhiều từ ngữ mà trẻ được nghe mỗi ngày. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, trẻ sơ sinh có cha mẹ thường xuyên nói chuyện với bé nhiều (trung bình khoảng 2.100 từ/giờ) khi các bé 3 tuổi thì đạt các chỉ số tiêu chuẩn trên bài kiểm tra cao hơn những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không có điều kiện giao tiếp bằng lời.
Đọc sách sớm giúp con thông minh hơn
Theo Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, đọc sách không nhất thiết phải đợi đến khi trẻ biết chữ. Đọc nghĩa là nghe, xem, nhìn và tưởng tượng… Đối với trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể kể, nói chuyện một chiều với trẻ.
Với các bé dưới 5 tuổi, hầu hết cha mẹ cho rằng, đọc sách cho con là đọc tất cả những hình ảnh và các trang sách. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Ở độ tuổi này, đọc sách cho con là sự tương tác với con bằng hình ảnh và âm thanh sống. Bố mẹ sử dụng phương pháp kể một đến 2 câu ngắn gọn, nhấn mạnh từ chỉ sự vật, đặt câu hỏi ngắn cho sự vật đó rồi tự trả lời 1 - 2 từ, cho trẻ sờ, chạm hoặc cắn vào sự vật, sau đó mẹ ôm và khen ngợi trẻ để kích thích và cho trẻ làm quen với sách.
Đối với nhóm trẻ từ 18 tháng tuổi, cha mẹ cần chọn sách đọc thực sự cho bé. Ở lứa tuổi này, mẹ chọn các sách có hình ảnh đẹp và chữ tương đối to, không đơn điệu hoặc quá phức tạp để bé có thể nhìn thấy được.
Cha mẹ có thể tìm mua những cuốn sách giáo dục vừa đọc vừa chơi, những cuốn sách rèn luyện sự tập trung, trí tưởng tượng thông qua những bài tập bằng hình ảnh. Trong giai đoạn này, bố mẹ có thể đọc hoặc kể chuyện, sử dụng các hình ảnh trực quan hoặc con rối để miêu tả các hình ảnh, câu chữ trong truyện.
Vừa đọc, mẹ vừa dừng lại hỏi con, sử dụng các chi tiết lặp lại như câu nói, câu hát, câu thơ để phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Trẻ từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ nên cùng xem sách với bé bằng những câu hỏi cho từng trường đoạn, từng nhân vật hay cùng con thảo luận một đề tài riêng nào đó. Mẹ có thể liên hệ trải nghiệm, cho trẻ đọc từ cuối trong mỗi câu thơ, cùng con chia sẻ cảm xúc sau mỗi câu chuyện… giúp bé tưởng tượng tốt hơn.
Để con hăng say đọc sách, cha mẹ có thể đọc sách với con bất cứ lúc nào nhưng tốt nhất là tạo thói quen đọc sách cho trẻ trước khi đi ngủ. Giai đoạn này, mẹ nên đọc nguyên văn và đọc đi đọc lại nhiều lần để giúp bé nhớ câu từ, cốt truyện. Bạn cần sử dụng giọng đọc diễn cảm như kể chuyện cho bé, thay đổi giọng điệu. Có thể đề nghị bé đọc truyện cho bạn nghe hoặc giả vờ nhầm lẫn một chi tiết nào đó để trẻ sửa lại.
Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trẻ có thói quen muốn mẹ đọc đi đọc lại những mẩu chuyện mà bé thích. Do đó, mẹ cần kiên nhẫn khi đọc sách cho con.
Khi đọc, các mẹ chú ý đến ngữ điệu, âm vực, dùng âm thanh và hình ảnh để diễn tả từng đoạn. Các mẹ cũng có thể sử dụng audio đọc truyện, nhưng cần để ý đến phản ứng của trẻ khi nghe truyện trong vòng 6 tháng để xem cách đọc, kể chuyện và cuốn sách mà bạn đang đọc cho con có phù hợp không, tác động ra sao đến tâm lý, hành vi và thái độ của trẻ trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương cũng lưu ý các bậc phụ huynh: "Đừng cố ép trẻ nếu trẻ không thích thú đọc sách hoặc nghe mẹ kể chuyện. Các mẹ hãy lựa chọn và áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để kích thích sự tò mò, cuốn hút trẻ như thay đổi thời gian, địa điểm đọc sách, thay đổi cách đọc, kể, dẫn nhập cuốn hút, tạo căn nhà đọc sách, chơi trò chơi với từ…".
"Các bà mẹ hãy đọc sách cho trẻ nghe từ khi trẻ vừa 3 tháng tuổi. Mẹ đưa cho trẻ thấy một cuốn sách nhiều màu sắc, bắt đầu đọc bằng cách… nói chuyện với trẻ. Trẻ sẽ lắng nghe, chưa cần biết trẻ hiểu đến đâu, nhưng những âm thanh vui vẻ, dịu dàng từ người mẹ sẽ luôn làm cho trẻ thích thú.
Các mẹ cần chú ý những cuốn sách to, nhiều màu, hình vẽ to rõ và cầm đọc cho con. Bố mẹ có thể sử dụng đồng dao và thơ ngắn để tương tác với trẻ. Bố mẹ tập trung nhấn mạnh nhịp bằng vỗ tay và động tác nhún nhảy hoặc chơi các trò chơi" - TS Nguyễn Thụy Anh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-tre-lam-quen-sach-tu-3-thang-tuoi-1596437961149.html