Dạy trẻ nhận biết các mối nguy hiểm
Xã hội phát triển mang đến tiện ích cho con người. Đối với trẻ nhỏ, thay vì cấm cản, người lớn hãy dạy cho chúng kỹ năng cần thiết để sớm thích nghi với những công cụ thiết yếu; Đồng thời, nhận biết nguy hiểm và tự bảo vệ cơ thể mình.
Nhận biết các nguy hiểm với cơ thể
Môi trường bên ngoài gia đình luôn đầy rẫy những hiểm nguy, đe dọa đối với trẻ. Cha mẹ không thể luôn ở bên con, chăm sóc hay bảo vệ con. Bởi vậy, cần dạy trẻ kỹ năng nhận biết và phòng tránh các nguy hiểm với cơ thể. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp trẻ tránh được các tai nạn gây chảy máu, bị thương hay ốm đau.
Trẻ thường phải tự chơi khi cha mẹ, người chăm sóc bận bịu không thể giám sát. Cha mẹ hãy dạy con biết cách tự chơi an toàn, tránh các khu vực nguy hiểm như bếp núc, tránh các đồ vật như dao kéo, bếp gas, bếp điện, ổ điện... Hãy nói cho trẻ biết việc đi nắng không đội mũ, trời mưa để ướt người, trời lạnh không mặc áo ấm sẽ làm cơ thể bị ốm.
Theo chuyên gia kỹ năng Trần Thị Mạnh Linh – (Giám đốc Công ty tham vấn Mạnh Linh School psychology): Cách hiệu quả để trẻ nhận biết được những mối nguy hiểm này là tạo ra những tình huống mà trẻ dễ gặp phải.
Cha mẹ có thể cho trẻ chạm vào dao, kéo để biết nó sắc và có thể làm tay bị chảy máu. Đây là cách trực quan nhất giúp trẻ nhận biết được các đồ vật nguy hiểm.
Trẻ nhỏ rất nghịch ngợm, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ nên có thể hay quên. Chính vì vậy, những lời nhắc nhở thường xuyên rất quan trọng. Lặp đi lặp lại những tình huống giả định hoặc đóng kịch với trẻ, cách nhận biết các nguy hiểm với cơ thể giúp trẻ luôn nhớ những điều quan trọng và biết nên làm gì nếu chẳng may xảy ra.
Đôi khi giác quan của trẻ còn nhanh nhạy hơn cả cha mẹ. Vì vậy, dạy trẻ giác quan, trực giác của mình để nhận biết những nguy hiểm xung quanh với cơ thể là điều cần thiết. Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu rằng khi nào trẻ cảm thấy không an toàn hãy yêu cầu sự giúp đỡ và nên nói cho người lớn như cha mẹ, thầy cô hoặc những người trẻ cảm thấy tin cậy.
Bên cạnh đó, để giúp trẻ luôn khỏe mạnh, cha mẹ phải giải thích cho trẻ cơ chế lây bệnh và biểu hiện của bệnh. Vi khuẩn có thể lây nhiễm vào cơ thể trẻ từ tay chân qua những việc trẻ vẫn làm hàng ngày như ăn uống, ngoáy mũi, dụi mắt, ngoáy tai.
Nguyên tắc phòng bệnh là phải ăn chín, uống sôi, ăn sạch. Đặc biệt, không ăn thức ăn bày bán ở ngoài đường vì thức ăn bị bám bụi, mất vệ sinh, rất dễ mắc bệnh.
Các kỹ năng phòng tránh
ThS Đinh Thị Thu Hoài – Trung tâm Đào tạo kỹ năng Inslight cho rằng: Cách tốt nhất giúp con phòng tránh các nguy hiểm cho cơ thể là dạy trẻ kĩ năng tránh tai nạn thương tích khi sử dụng các vật dụng nguy hiểm càng sớm càng tốt.
Trong mỗi gia đình luôn có vô khối các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, kim... Nếu người lớn đi vắng, đám trẻ có thể trưng dụng những thứ nàylàm đồ chơi và sẽ gây hại cho chính chúng và người khác. Dạy trẻ sử dụng đúng cách, không gây sát thương cho bản thân và người khác là việc mà cha mẹ cần quan tâm ngay từ khi con mới 3 tuổi.
Hãy dạy trẻ làm quen dần và thực hành dưới sự quan sát của cha mẹ để giảm thiểu tác hại. Khi trẻ có kỹ năng và thói quen, cha mẹ có thể yên tâm đã hạn chế được phần lớn nguy cơ gây hại cho trẻ.
Trẻ ở nhà một mình an toàn là cái đích mà bất kể cha mẹ nào cũng mong muốn. Dạy trẻ các kĩ năng thoát hiểm và các cách phòng tránh tai nạn trong nhà là việc quan trọng hàng đầu mà cha mẹ nào cũng nên quan tâm, trang bị kiến thức cho con. Hỏa hoạn, ngập lụt, động đất là những dạng tai họa mà không ai có thể nói trước.
Trong mọi tình huống, cha mẹ hãy luôn nhấn mạnh với con rằng “không có gì quý hơn bản thân con”. Vì thế, trẻ không cần mang theo bất kể cái gì khi thoát ra ngoài trong các tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy đến.
Trẻ cũng không cần cứu ai trước khi cứu chính bản thân mình. Khi nào thoát ra ngoài rồi, trẻ cần phải kêu cứu. Nếu trẻ nào cũng biết điều đó thì tỉ lệ tử vong do các thảm họa đó gây ra sẽ giảm đáng kể.
Thực tế hiện nay, với suy nghĩ “việc nhà là việc vặt, đã có ô sin lo”, không ít cha mẹ đã bỏ qua phần giáo dục siêu quan trọng này. Việc này chưa tính đến việc cha mẹ bỏ qua lợi ích của những công việc nhỏ nhặt mà chỉ nói đến khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh của trẻ kém hẳn so với các bạn.
Khi cha mẹ đi vắng, thay vì phải canh cánh lo quay về để chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, cha mẹ có thể yên lòng vì con biết làm mọi thứ rồi. Đó là lợi thế đầu tiên của kĩ năng này.
Chuyên gia kỹ năng Trần Thị Mạnh Linh cho rằng: Những việc nhà nho nhỏ được trẻ đảm nhận sẽ giúp giảm áp lực công việc cho cha mẹ. Quét nhà, dọn nhà, lau bàn ghế đó là việc trẻ 4 - 5 tuổi làm được rồi. Cho trẻ làm vừa giúp trẻ hiểu sự vất vả của cha mẹ, vừa giúp trẻ hoàn thiện kĩ năng sống cơ bản, đó là lợi ích ai cũng nhìn thấy.
Dạy trẻ nhớ đường về nhà, tránh các con đường vắng, tham gia giao thông an toàn. Đây là kĩ năng khá quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
Cha mẹ hay giúp trẻ hiểu một số biển báo giao thông cơ bản, các loại đền khi dừng lại, khi được phép đi để trẻ biết cách qua đường an toàn tại nơi có đèn giao thông. Chú cảnh sát giao thông có nhiệm vụ gì trên đường, cách xác định các ngã ba, ngã tư mà trẻ thường xuyên gặp.
PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi – Bệnh viện T.Ư Huế) cho rằng: “Cha mẹ cần dạy trẻ, giữ an toàn cho bản thân không chỉ là kĩ năng tránh tai nạn thương tích mà còn gồm cả kĩ năng phòng ngừa bệnh.
Trẻ nhỏ thường mắc các bệnh truyền nhiễm do vệ sinh, vì vậy cần dạy trẻ kỹ năng rửa tay hàng ngày, tốt nhất nên rửa tay với xà phòng và nước sạch thì vi khuẩn, vi trùng gây bệnh sẽ bị tiêu diệt. Khi thấy mệt, thấy đau cần báo ngay với người lớn để được hỗ trợ. Lúc ốm, cần phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để nhanh khỏi bệnh”.
Để giúp con luôn chủ động phòng ngừa tai nạn thương tích và biết yêu cơ thể, cha mẹ là người thầy đầu tiên và tốt nhất. Khi trẻ được tìm hiểu, quan sát, phân tích các tình huống diễn ra thường ngày và cách xử lý của người lớn, chúng sẽ rút được nhiều kinh nghiệm hay và biết cách để an toàn trước các nguy cơ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/day-tre-nhan-biet-cac-moi-nguy-hiem-Y1brQ3KGR.html