Dạy trẻ thế nào để không bị bắt cóc?

Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng cha mẹ cần chú ý đến an toàn của trẻ, nhất là ở nơi công cộng.

Sau sự việc bé 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh, trao đổi với Zing, ông Lê Minh Huân nói khi đến nơi đông người, phụ huynh có nhiều mối bận tâm khác ngoài trẻ em như mua sắm cho gia đình, giải quyết công việc qua điện thoại. Họ ý thức "con đang bên cạnh, sự an toàn của con rất quan trọng” nhưng vẫn xao nhãng, không để mắt tới trẻ.

"Chủ quan là nguyên nhân khiến phụ huynh để lạc hoặc quên đi sự hiện diện của con, dẫn đến những rắc rối đáng tiếc như con lạc trong siêu thị, trung tâm thương mại", ông Huân nhận định.

PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), tư vấn bố mẹ nên thỏa thuận với con trước khi ra nơi đông người.

Khi đưa trẻ đi siêu thị, cha mẹ cần thống nhất con luôn ở cạnh người lớn, không với lên các giá đồ, kiểm tra đã mua đủ đồ chưa? Nếu làm được, bố mẹ sẽ thưởng quà cho con. Thỏa thuận cần được nhắc lại hoặc ghi vào giấy để trẻ không quên.

"Trẻ em bận rộn hoặc được khuyến khích bởi phần thưởng, sẽ không chạy khỏi tầm mắt người lớn. Hình thức này có thể áp dụng khi con chơi ở công viên hoặc những nơi công cộng khác", TS Nam tư vấn.

 TS Vũ Thu Hương hướng dẫn trẻ cách thoát khỏi người lạ khống chế mình. Ảnh: Hoàng Hiệp.

TS Vũ Thu Hương hướng dẫn trẻ cách thoát khỏi người lạ khống chế mình. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Dấu hiệu nhận biết kẻ xấu

Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, trẻ nhỏ chưa kiểm soát được hành vi, chưa có ý thức về an toàn, dễ rơi vào tầm ngắm. Một số trẻ hay ăn vạ, mè nheo, ham chơi, ít để ý đến người lớn khi đi cùng, gặp khó khăn về tâm lý (chậm phát triển, tăng động giảm chú ý, tự kỷ), dễ thành mục tiêu của những kẻ bắt cóc.

Ông Huân phân tích kẻ xấu nhanh chóng lợi dụng cơ hội khi phụ huynh sơ hở. Đôi khi, chúng chỉ cần 30 giây để hành động.

Kẻ xấu thường theo dõi, thu thập thông tin (họ tên cha mẹ, địa chỉ trường lớp...) để tạo niềm tin khi tiếp cận trẻ. Nếu thuận lợi, chúng thường cho quà, làm quen, giả vờ giúp đỡ khi bé ngã, khóc hoặc đang ở một mình.

"Không ít kẻ xấu cải trang thành nhân viên khu vui chơi, siêu thị để dễ dàng tiếp cận đối tượng", ông Huân thông tin.

PGS Trần Thành Nam cho hay kẻ xấu có thể kết nối với trẻ trên mạng từ trước, mời bé tham gia các cuộc thi hoặc trò chơi có thưởng để dụ lên xe hoặc gặp trực tiếp ở nơi nào đó.

Ông Nam nhắc tới chương trình truyền hình thực tế từng thực nghiệm điều này, bằng cách gửi thư mời các em nhỏ tham gia một cuộc thi. Ngày hẹn sẽ có xe đến đón trẻ. Kết quả, hơn 50% số em nhận được lời mời đều lên xe với người lạ. Các em còn trả lời các thông tin cá nhân theo yêu cầu, đồng thời giao điện thoại như điều kiện tham gia thử thách cuộc thi. Nếu đây là trường hợp bắt cóc, các em thực sẽ rất nguy hiểm.

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, cho rằng kẻ gian luôn là người dành nhiều sự quan tâm đến trẻ.

Từ ánh mắt, hành động, lời nói, cho dù cố tình che giấu, kẻ gian vẫn để lộ ra sự "để ý" hơn so với người dưng. Cha mẹ hãy đề phòng nếu nhận thấy ai đó quan tâm hoặc đứng quá gần, quan sát con quá kỹ.

 Cha mẹ cần dạy con cách đề phòng bắt cóc và hướng xử lý khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Ảnh: YouTube.

Cha mẹ cần dạy con cách đề phòng bắt cóc và hướng xử lý khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Ảnh: YouTube.

Dạy con mật mã phòng kẻ xấu

Các chuyên gia nhận định, phụ huynh nên chủ động bảo vệ con trước nguy cơ bị bắt cóc. Theo thạc sĩ Lê Minh Huân, người lớn cần nâng cao cảnh giác, bất kể khi con chơi quanh sân nhà hay ở ngoài.

Bố mẹ cần "cẩn tắc vô áy náy" khi cùng con ra ngoài, đến nơi vắng hoặc quá đông người.

Bên cạnh đó, ông khuyên phụ huynh dặn con biết nghe lời, đi theo cha mẹ, không bỏ chạy, trốn khi giận dỗi. Trẻ chỉ nên vui chơi ở khu vực nhìn thấy cha mẹ, tuyệt đối không đi theo bất kỳ ai, kể cả người quen.

Ngoài ra, phụ huynh hạn chế ra ngoài một mình cùng con, nên có thêm người lớn khác để hỗ trợ khi điều không hay xảy đến.

Người lớn cần quan sát, khoanh vùng khu vực an toàn, không an toàn, đối tượng khả nghi. Họ cần dạy con nhận diện người lạ, người xấu và cách kêu cứu, nhờ trợ giúp nếu gặp tình huống không an toàn khi ra ngoài.

Ông Lê Minh Huân cho rằng việc dạy trẻ kỹ năng đề phòng bắt cóc rất quan trọng. Để trẻ có ý thức tự bảo vệ, cha mẹ nên dạy con không nhận quà bánh, đi theo hoặc tiếp xúc lâu với người không quen.

Trẻ cần biết không cho phép ai lại gần, đụng chạm khi cha mẹ chưa đồng ý; không ra ngoài một mình, đến nơi vắng vẻ nếu không có người lớn bên cạnh.

"Cha mẹ nên tập cho con kêu cứu, ghi nhớ số điện thoại cần thiết, dạy trẻ bình tĩnh phản ứng hoặc bỏ chạy đến nơi an toàn nếu gặp kẻ xấu", ông Huân khuyên.

TS Trần Thành Nam đưa ra phương pháp tư vấn cha mẹ cách đảm bảo an toàn cho con khá đặc biệt. Cha mẹ có thể giao hẹn và dạy con nhớ một từ khóa, mật mã giữa hai bên. Trẻ không được đi theo và nghe lời bất kỳ ai nếu không biết mật mã này. Khi lớn hơn, trẻ cần tuân thủ nguyên tắc xin phép trước khi đi đâu, với ai, chỗ nào.

Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng công nghệ an toàn để theo dõi định vị bản thân. Một số ứng dụng chỉ cần 2 lần ấn vào điện thoại sẽ nhanh chóng gửi tới địa chỉ của con đến ít nhất 6 người xác định trước.

Cha mẹ nên thông tin những đặc điểm chi tiết về con như chiều cao, cân nặng, đặc điểm hình thể dễ nhận dạng như bớt hay sẹo, nốt ruồi.

Cha mẹ cần mang theo ảnh thẻ của con trong ví để cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho những người có trách nhiệm tìm kiếm con khi bị thất lạc.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/day-tre-the-nao-de-khong-bi-bat-coc-post1123408.html