Dạy trẻ tự lập từ 2 tuổi, chương trình thực tế Nhật Bản gây tranh cãi

Trong series mới trên Netflix với tên gọi Old Enough, trẻ nhỏ khoảng 2 tuổi tự đi mua hàng tạp hóa và sử dụng phương tiện giao thông công cộng một mình.

Old Enough (Tạm dịch: Con Đã Đủ Lớn) là chương trình gặt hái được rất nhiều thành công trên truyền hình Nhật Bản trong hơn 30 năm qua, nhưng vẫn còn mới mẻ với người xem trên toàn thế giới. Năm nay, Netflix bắt đầu phát trực tuyến một mùa của chương trình với nội dung được quay vào năm 2013, gây chú ý với nhiều bậc phụ huynh và chuyên gia nuôi dạy trẻ. Mỗi tập xoay quanh hành trình học cách tự lập của một em nhỏ, thời lượng khoảng 8-20 phút.

Theo kịch bản, máy quay sẽ theo dõi trẻ từ xa trong khi chúng thực hiện thử thách do bố mẹ và những người thực hiện chương trình đặt ra.

Chương trình này đã nổi tiếng trên khắp Nhật Bản qua hàng thập kỷ.

Chương trình này đã nổi tiếng trên khắp Nhật Bản qua hàng thập kỷ.

Chẳng hạn, trong tập mở đầu, cậu bé 2 tuổi Hiroki được đưa đến một siêu thị địa phương. Mẹ chuẩn bị sẵn 1.000 yên rồi nhờ em đi mua một ít chả cá, cà ri và một bó hoa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ suôn sẻ, cậu bé tự hào ra mặt và trông tự tin hơn hẳn. Hiroki đã thể hiện sự tự lập của mình và nhận được ủng hộ nhiệt tình từ bố mẹ.

Cuộc phiêu lưu của những đứa trẻ trong Old Enough đều được lên kế hoạch cẩn thận. Nếu có bất cứ điều gì bất trắc, nhân viên của chương trình sẽ chủ động can thiệp.

Tờ Insider đã tiếp cận với hai chuyên gia để hỏi ý kiến về series thú vị này và nhận được hai quan điểm trái ngược.

Lenore Skenazy, chủ tịch của Let Grow - tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích tính tự lập của trẻ nhỏ, cho biết cô được truyền cảm hứng bởi Old Enough. “Thật tuyệt khi bật TV lên và theo dõi một chương trình trong đó trẻ nhỏ tự mình làm một số việc vặt vô cùng vui vẻ. Không giống như trong “Law and Order”, khi ta chứng kiến hễ trẻ ra ngoài một mình là bị bắt cóc”, cô nói.

Theo Lenore, văn hóa nuôi dạy trẻ ở Nhật Bản thoáng hơn ở Mỹ. “Cha mẹ Mỹ luôn nhìn trẻ với ánh mắt như là chúng đang gặp nguy hiểm. Nếu ai đó nhìn thấy một đứa trẻ 4-5 tuổi, chưa nói là 2 tuổi, lang thang một mình trong công viên, họ chắc sẽ đau tim và gọi cảnh sát ngay lập tức”.

Lenore cho rằng nếu cha mẹ đặt niềm tin vào con cái, điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người lớn lẫn trẻ con. Vậy nhưng rất nhiều người đang tước đi niềm vui và quyền được lớn khôn một cách tự lập của con.

Tanith Carey, tác giả nổi tiếng với những cuốn sách nuôi dạy trẻ không hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. “Tôi ủng hộ ý kiến trẻ con nên học cách tự lập nhiều hơn ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ sẽ tự tin hơn và lòng tự trọng sẽ được xây dựng một cách tự nhiên trong quá trình này. Tuy nhiên, điều rất đáng quan ngại ở đây là liệu những nhiệm vụ mà người lớn yêu cầu trẻ thực hiện trong chương trình có thực sự phù hợp với sự phát triển của chúng hay chưa”, Carey chia sẻ.

Với cô, việc chương trình xây dựng tình huống gây cười khi những đứa trẻ không hoàn thành nhiệm vụ là điều sai trái, bởi chúng chưa sẵn sàng về mặt phát triển để có thể thực hiện suôn sẻ mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện chưa rõ chương trình có “làm mưa làm gió” ở Mỹ hay các quốc gia khác hay không, nhưng cuộc phiêu lưu táo bạo của những đứa trẻ chắc chắn sẽ mang đến nhiều cảm xúc lẫn lộn cho người xem, đặc biệt là những phụ huynh có con nhỏ.

Bảo Chi(Nguồn: Insider)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/da-y-tre-tu-la-p-tu-2-tuo-i-chuong-tri-nh-thu-c-te-nha-t-ba-n-gay-tranh-ca-i-ar672164.html