Dạy trẻ uống thuốc khi cần
Trong quá trình nuôi con, việc cho trẻ uống thuốc khi đau ốm khiến không ít cha mẹ 'vật vã'.
GD&TĐ - Trong quá trình nuôi con, việc cho trẻ uống thuốc khi đau ốm khiến không ít cha mẹ “vật vã”.
Tuy nhiên, việc này không còn đáng ngại nếu cha mẹ biết cách dạy con sớm về tầm quan trọng của uống thuốc theo chỉ dẫn và sử dụng mẹo để dụ trẻ.
Chỉ uống thuốc khi rất cần
Dù các con đều đã trên 10 tuổi song chị Mai Chi (Đông Anh, Hà Nội) vẫn chưa quên cảm giác “sợ” mỗi lần con ốm. Chuyện cho con uống thuốc không khác gì “cực hình” với cả mẹ và con.
“Đứa con đầu ít ốm vặt nên đến bé thứ 2 dường như tôi mới đầy đủ trải nghiệm nuôi con mọn. Đường hô hấp kém nên cứ hễ thay đổi thời tiết hoặc trời lạnh là bé Sun thường mắc ho, viêm phế quản kèm sốt. Mới 7 tháng tuổi, Sun đã trải qua đợt sốt cao dẫn đến co giật khiến mỗi lần con ốm là một lần cả gia đình bấn loạn vì lo lắng.
Cũng bởi tâm lý cảnh giác quá cao nên trong nhà luôn tích trữ đủ các loại thuốc. Con hơi có biểu hiện là tôi cho “uống chặn” theo đơn cũ của bác sĩ. Từ khi gần 2 tuổi, tôi đã cảm nhận sự lo sợ của con với những lần uống thuốc. Cũng bởi vậy, cháu không hợp tác dẫn đến nôn trớ, hiệu quả dùng thuốc không cao và sau đó đều phải dùng đường tiêm để điều trị”, chị Mai Chi kể.
Theo TS.BS Trần Thị Liên (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, Hải Phòng): Tình trạng cha mẹ lạm dụng thuốc trong chăm sóc trẻ không phải hiếm gặp. Cho con uống thuốc theo kinh nghiệm truyền khẩu, sử dụng đơn của người khác hay dùng lại đơn thuốc từ lần khám trước khiến trẻ phải uống thuốc khi chưa thực sự cần thiết là thói quen có hại cho sức khỏe của trẻ. Thậm chí gây tình trạng nhờn thuốc hoặc phản tác dụng.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy hứng sẽ gây những hệ lụy lớn nếu không tuân thủ nghiêm ngặt theo kê đơn và chỉ dẫn của bác sĩ cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc trẻ không hợp tác khi dùng thuốc, nguyên nhân lớn đến từ việc cha mẹ quá lệ thuộc vào thuốc khi nuôi con mà quên dạy con về lợi hại của thuốc men đối với sức khỏe con người.
Nhiều bố mẹ có quan điểm nuôi con tiến bộ đã nhận ra rằng, một bác sĩ có trách nhiệm thường đưa ra lời khuyên: Thuốc không mang lại sức khỏe! Đừng can thiệp bằng thuốc sớm quá. Khi “can thiệp” sớm bằng thuốc đồng nghĩa với việc bạn đã làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của con, giảm khả năng chống chọi với bệnh tật.
Tinh thần này cần được các bậc cha mẹ hiểu và thực hành. Đồng thời, chú tâm dạy con chỉ uống thuốc khi thực sự cần.
Ngay từ khi con khoảng 2 tuổi, cha mẹ hãy giúp con hiểu, để bảo vệ cơ thể và tránh nguy cơ phải dùng đến thuốc chữa bệnh, cần tăng đề kháng bằng chế độ ăn uống cân bằng, luyện tập thể thao... Cực chẳng đã sẽ phải uống thuốc nhưng cần thăm khám và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy nói cho con hiểu cả những tác dụng phụ và những hệ lụy không mong muốn của thuốc bằng những ví dụ và biểu cảm cụ thể.
Mẹo “dụ” trẻ uống thuốc
Để trẻ hợp tác và không bị tâm lý dị ứng với việc uống thuốc, theo ThS tâm lý học Nguyễn Văn Quyết, Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới: Cần bồi dưỡng ý thức cho trẻ về sự cần thiết của thuốc trong chữa trị bệnh tật. Đây cũng là bài học cho trẻ về kỹ năng đối diện thử thách tâm lý.
Khi trẻ ốm, cha mẹ hãy đặt các câu hỏi về sức khỏe, kiểu: Con muốn nhanh khỏe để đi chơi với các bạn không? Cả nhà đều khỏe để chuẩn bị đi du lịch, con có sẵn sàng không?... Lựa chọn của trẻ sẽ mở đường cho bố mẹ dễ dàng khuyến khích và khuyên nhủ trẻ cố gắng uống thuốc để mau khỏi bệnh.
Theo tư vấn của ThS Quyết: Không riêng việc uống thuốc, đối với việc chăm sóc sức khỏe cá nhân nói chung, các bậc cha mẹ cần chỉ rõ cho trẻ lợi ích của từng hoạt động, giúp trẻ nhận thức thiệt hơn và quyết tâm thực hiện.
Khi trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu những bài học nên và không nên trong các hành vi bảo vệ sức khỏe cá nhân và những người xung quanh. Với việc dạy trẻ uống thuốc, bài học “thuốc đắng giã tật” cần được ưu tiên. Uống thuốc trị bệnh thì không thể dễ dàng như ăn kẹo được nhưng chúng ta phải cố gắng để chiến thắng bệnh tật và có cơ thể khỏe mạnh, sẵn sàng cho các hoạt động bổ ích khác.
Với trẻ mầm non, bố mẹ làm cho con tờ lịch, chỉ sẵn ngày giờ phải uống thuốc. Sau khi uống, bố mẹ khen ngợi và cho con 1 sticker, yêu cầu con dán vào lịch. Mỗi ngày sẽ có đủ số sticker bằng số lần cần uống thuốc. Khi đó trẻ sẽ nhớ và tự giác nhắc bố mẹ cho uống thuốc.
Với những thuốc có mùi vị hơi khó chịu, bố mẹ có thể dụ con chơi trò “chạm cốc”. Bố mẹ và con cùng uống, con uống thuốc, bố mẹ uống nước trà có màu tương tự thuốc của con.
Rất cần có “đồ nhắm” để sau khi uống thuốc, con nhấm nháp một chút cho đỡ khó chịu ở cổ họng. Do vậy, việc uống thuốc sẽ giống như đang “nhậu”, trẻ sẽ hứng thú và bớt phản ứng với thuốc.
Về cách cho trẻ uống thuốc, TS.Bác sĩ Trần Thị Liên tư vấn: Các bậc cha mẹ cần lưu ý độ tuổi để có cách cho trẻ uống thuốc phù hợp, tránh nguy hiểm.
Đối với trẻ sơ sinh: Cho trẻ uống thuốc dạng lỏng, để trẻ ở vị trí giống như khi trẻ bú mẹ, từ từ cho thuốc vào một bên má của trẻ, sau đó dùng tay ấn nhẹ bên má để thuốc được trẻ nuốt vào. Hoặc dùng núm vú cao su để cho trẻ uống thuốc, tráng bình bằng nước lọc rồi cho trẻ bú tiếp để đảm bảo đủ liều.
Đối với trẻ lớn hơn: Có thể dùng thuốc dạng viên nén, viên nang hoặc dạng bột.
Với thuốc có vị đắng, khó uống, bố mẹ có thể cho trẻ ngậm một ít nước đá nhỏ. Nhiệt độ lạnh sẽ giúp trẻ không còn cảm nhận được vị đắng. Không tự ý thêm sữa, nước trái cây hoặc thuốc khác vào dạng thuốc lỏng đã pha để tránh tương tác bất lợi.
“Tuyệt đối không nên “đánh lừa” trẻ bằng cách nói thuốc là kẹo, bánh… để tránh cho trẻ thấy thuốc mà nghĩ là đồ ăn vặt và tự ý uống gây ngộ độc. Các gia đình cũng cần lưu ý, để tất cả các loại thuốc men ở xa tầm với của trẻ, tránh việc trẻ lấy thuốc sử dụng bừa bãi gây hại cho sức khỏe. Cùng đó, đừng quên cùng trẻ kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng, đặc biệt là các thuốc được dự trữ tại nhà” - TS. Bác sĩ Trần Thị Liên nhấn mạnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-nang-song/day-tre-uong-thuoc-khi-can-XPsjezLnR.html