Dạy và học Ngữ văn nhìn từ đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Nhìn vào cấu trúc và nội dung đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 (công bố ngày 18/10) cho thấy những thách thức với cả thầy và trò...
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 và Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH năm 2022 hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông được các nhà trường và giáo viên ráo riết thực hiện. Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc và nội dung đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 (công bố ngày 18/10) cho thấy những thách thức với cả thầy và trò.
Đánh giá toàn diện kỹ năng
Nhà giáo Dương Khánh Toàn dạy môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: “Về cấu trúc, đề khoa học, hợp lý. Về mức độ tư duy, đề phân phối các mức độ, phù hợp với yêu cầu đánh giá năng lực; câu thông hiểu 3, 4 khó với học sinh. Về ngữ liệu: Ngữ liệu hay, phù hợp, nội dung và nghệ thuật tiêu biểu cho những yêu cầu đọc hiểu và viết văn để học sinh khai thác”.
Còn theo nhà giáo Nguyễn Quỳnh Ngân, Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đề Văn vừa sức học sinh nhưng vẫn phân hóa vì có độ mở cho thí sinh thể hiện ở câu 5 đọc hiểu và phần viết. Thí sinh cần được rèn kỹ năng đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại; nắm chắc kiến thức tiếng Việt.
Đồng quan điểm, một số thầy cô dạy Ngữ văn ở Vĩnh Phúc nhận xét: “Yêu cầu của đề rõ ràng. Nhưng cái khó là thí sinh không có nhiều hiểu biết về vấn đề nghị luận. Về trí tuệ nhân tạo phải đến khi Chat GPT ra đời cuối năm 2022 đầu 2023 thì cả thế giới mới hiểu thế nào là trí tuệ nhân tạo AI. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ phải cấm hay hạn chế ở một số lĩnh vực. Vấn đề nghị luận được chọn vào đề không đơn giản. Ngay cả người chấm, nếu không am hiểu vấn đề thì cũng khó đánh giá khách quan bài thi”.
Ở góc nhìn khác, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Phụng - Trường THPT Tam Dương (Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Câu hỏi về trí tuệ nhân tạo cập nhật thời sự, đôi khi, học sinh còn biết nhiều hơn giáo viên. Tuy nhiên, tôi có băn khoăn về phần đọc hiểu. Với cách hỏi ở phần này thì học sinh học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống làm sẽ tốt hơn trò học bộ Cánh diều”.
Thay đổi cách dạy và học
Dạy Ngữ văn bốn chục năm, tôi tâm đắc với đề minh họa (trừ Ngoại ngữ) dành cho học sinh lớp 12 và đề Ngữ văn nói riêng. Năng lực tri thức và 4 kỹ năng giao tiếp (nghe - đọc - nói - viết) của người học, dù ở vùng miền nào cũng cần phải thông thạo. Đề Ngữ văn minh họa cho lớp 12 khác nhiều đề minh họa lớp 10 và 11 đã công bố. Học sinh lớp 12 có đủ năng lực nhận thức và tâm lý để giải quyết vấn đề mới và được đánh giá sát năng lực.
Nửa thế kỷ trước, chúng tôi không học thêm, báo đài không có, tài liệu nghèo nàn, vài cuốn sách giáo khoa, bài ghi trên lớp… Thời đó, thi đại học khối C (3 môn Văn, Sử, Địa) đạt 18 điểm hoặc 20 điểm khối A (Toán, Lý, Hóa) đã được du học các nước khối xã hội chủ nghĩa. Lứa chúng tôi chỉ cần 13 điểm đã đỗ trường đại học tốp đầu.
Nói như vậy để bạn đọc biết, cách làm đề thi, chấm bài theo hướng đánh giá năng lực từng được thực hiện hiệu quả từ thời bao cấp. Không hiểu vấn đề thì dù làm dài cũng không được điểm nhưng có khi bài văn chỉ viết 1 tờ 4 trang là được 7 - 8 điểm. Đặc biệt, thời đó rất ít điểm khá giỏi. Giáo dục phổ thông thời đó đã góp tạo ra nhiều lớp người có năng lực toàn diện, hiểu biết liên môn, thầy Văn biết Toán, thầy Toán làm thơ, bình thơ, viết nhạc, viết truyện. Tiếc rằng chiến tranh, nhiều người đã không trở về…
Quay trở lại với đề minh họa Kỳ thi THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT mới công bố cho thấy yêu cầu rất lớn về kỹ năng xử lý đề bài và giải quyết vấn đề. Đọc đề minh họa chắc chắn khiến chúng ta suy nghĩ lại, bởi kỹ năng đọc nhanh, đọc hiểu là chìa khóa giải bài tập đâu chỉ của riêng môn Ngữ văn sử dụng? Ngữ văn bây giờ đâu còn bình văn bình thơ, đâu còn “tụng ca những hình tượng văn học hư cấu bất hủ”! Học Ngữ văn để hiểu cuộc sống, con người và học tất cả tri thức, kỹ năng sống để làm người tử tế.
Học Ngữ văn là học cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ qua 4 kỹ năng nghe - đọc - nói - viết. Đọc đề bài, đọc ngữ liệu mà chưa hiểu từ ngữ và câu chữ của văn bản, chưa diễn đạt được ý hiểu khi nói và viết là chưa đạt yêu cầu. Sự lo lắng của không chỉ học sinh lớp 12 mà cả giáo viên và phụ huynh khi “đề phân hóa, độ khó cao” là có thật ở khắp nơi… Điều này đồng nghĩa với việc thầy, trò phải thay đổi phương pháp dạy và học theo năng lực, lựa chọn mục tiêu và cách thức thực hiện phù hợp năng lực và điều kiện.
Đọc đề thi minh họa theo năng lực, vì sao nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng? Có phải cha mẹ luôn kỳ vọng con em đỗ đại học với điểm số cao? Có phải chúng ta chưa kịp trang bị tri thức và kỹ năng cần thiết sau mấy năm học Chương trình 2018?
Đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 từng bước hướng đến đánh giá năng lực và chất lượng thật hy vọng sẽ làm thay đổi nhận thức và thái độ của nhân dân về điểm thi và chất lượng giáo dục. Nhiều nước phát triển đánh giá bài kiểm tra bằng 5 mức (A, B, C, D, F) hoặc điểm 5. Ngưỡng tốt nghiệp và đại học hay lớp 10 vì vậy cũng được dư luận đồng thuận, các trường tuyển sinh cũng sẽ lấy từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu theo phương thức xét điểm.
Điểm xét tốt nghiệp (theo Dự thảo áp dụng từ năm 2025) cũng sẽ bằng 50% điểm thi + 50% điểm trung bình 3 năm học… Như vậy, vấn đề quan trọng không phụ thuộc vào điểm hay đề thi mà là làm thế nào để học trò có đủ năng lực và kỹ năng cơ bản nhất, cần thiết nhất để học tập và kiếm sống?
Bàn thêm về nội dung này, nhà giáo Nguyễn Lê Hoàn - Trường THPT Phạm Công Bình (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho hay: “Nghị luận xã hội về AI quá tầm hiểu biết của học sinh, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là thách thức với cả người dạy và người học”.