Năm 2024, Trường Đại học Công Thương TP.HCM có thêm 3 phó giáo sư
3 phó giáo sư năm 2024 của Trường Đại học Công Thương TP. HCM đều có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.
Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký Quyết định số 89/QĐ-HĐGSNN công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2024.
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh có 3 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024 trong đó có 1 phó giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, 1 phó giáo sư ngành Kinh tế và 1 phó giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm.
Danh sách các thầy đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư 2024 của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Thầy Văn Tấn Lượng (sinh năm 1979) - phó giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa
Từ 01/2014 đến 03/2017, thầy Lượng là giảng viên tại Trường Đại học Sài Gòn.
Từ 03/2017 đến 07/2024, thầy là giảng viên tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Thầy Lượng có các hướng nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu các giải pháp điều khiển hệ thống năng lượng gió, trong đó tập trung vào việc điều khiển cánh quạt tua bin khi tốc độ gió lớn hơn định mức và điều khiển duy trì kết nối lưới của hệ thống tua bin gió khi lưới có sự cố và nghiên cứu các bộ nghịch lưu tiên tiến cấp điện cho tải độc lập hoặc kết nối với lưới điện.
Thầy đã công bố (số lượng) 42 bài báo khoa học, trong đó 4 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Bên cạnh những thành tích về nghiên cứu khoa học và đào tạo, thầy Lượng đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác như: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở Trường Đại học Sài Gòn cấp năm 2015-2016; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 2017-2018; Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 2020-2021.
Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Văn Tấn Lượng tại đây.
2. Thầy Dương Hữu Huy (sinh năm 1985) - phó giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm
Từ 01/2009 đến 09/2013, thầy là nghiên cứu viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Từ 10/2013 đến 09/2016, thầy là Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Phủ Osaka, Nhật Bản.
Từ 10/2016 đến 03/2018, thầy Huy là nghiên cứu viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Từ 4/2018 đến 08/2018, thầy là giảng viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Từ 09/2018 đến 06/2023, thầy là giảng viên, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh)
Từ 07/2023 đến nay, thầy Huy là giảng viên, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Thầy Huy có hướng nghiên cứu chủ yếu là về hóa học khí quyển và về xử lý ô nhiễm môi trường.
Thầy đã công bố (số lượng) 33 bài báo khoa học, trong đó 17 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Bên cạnh những thành tích về nghiên cứu khoa học và đào tạo, thầy Huy đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2020-2021.
Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Dương Hữu Huy tại đây.
3. Thầy Nguyễn Văn Ít (sinh năm 1975) - phó giáo sư ngành Kinh tế
Quá trình công tác của thầy Nguyễn Văn Ít như sau:
Từ 10/2012 đến 03/2017: Giảng viên, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh)
Từ 04/2017 đến 07/2019: Giảng viên, Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trước đây là Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, thầy Ít là Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Thầy Ít có hướng nghiên cứu chủ yếu là về quản trị doanh nghiệp và kinh doanh bền vững.
Thầy đã công bố (số lượng) 40 bài báo và hội thảo khoa học trong và ngoài nước.
Bên cạnh những thành tích về nghiên cứu khoa học và đào tạo, thầy đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2016, 2017, 2019, 2021, 2023 theo Quyết định của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh).
Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Nguyễn Văn Ít tại đây.
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, việc nhà trường có thêm 3 phó giáo sư năm 2024 đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của các nhà giáo được công nhận mà còn là niềm tự hào chung của toàn thể nhà trường.
Đội ngũ giảng viên có thêm giáo sư, phó giáo sư là minh chứng rõ ràng cho chất lượng đào tạo và môi trường học thuật xuất sắc của nhà trường, góp phần thu hút sinh viên và học viên cao học, đặc biệt là những bạn sinh viên có định hướng nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, các giảng viên có trình độ cao cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học cũng như góp phần xây dựng uy tín của trường trong lĩnh vực đào tạo sau đại học.
Đồng thời, đội ngũ giảng có chuyên môn cao sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, hợp tác với các tổ chức, trường đại học quốc tế trong nghiên cứu và trao đổi học thuật, tạo cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên và học viên cao học cũng như đóng vai trò dẫn dắt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích sinh viên tham gia các dự án thực tiễn, từ đó giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo.
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học công lập, thuộc Bộ Công Thương. Hiện nhà trường đang đào tạo 34 ngành trình độ đại học, 12 ngành trình độ thạc sĩ và 7 ngành trình độ tiến sĩ; với tổng quy mô đào tạo trên 30 ngành sinh viên. Trải qua 42 năm trưởng thành và phát triển, đến nay nhà trường đã dần khẳng định là trường đại học theo hướng ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam.
Đặc biệt, việc đổi tên từ Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2023 là đòi hỏi tất yếu trong hành trình phát triển của Nhà trường. Đồng thời phù hợp với thực tế về quy mô đào tạo và tầm vóc của một cơ sở giáo dục đại học theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đã và đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương nói riêng, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế nói chung.