Dạy và học trong bối cảnh có dịch: Thầy cô không còn quá bỡ ngỡ!
Sau gần 2 năm quen với việc dạy học trong bối cảnh có dịch nên khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành thì các thầy cô đã tự tin trong việc chuyển đổi linh hoạt dạy học để chung sống an toàn với đại dịch.
Kỹ năng dạy học trực tuyến đã trở nên thuần thục
Năm học 2021 - 2022, đối với thầy cô và học sinh cả nước là năm học đầy thử thách. Lần đầu tiên học sinh Thủ đô và nhiều tỉnh thành phố tổ chức khai giảng trực tuyến. Từ đó đến nay phải dạy học trực tuyến suốt hơn 2 tháng trời. Để đảm bảo chất lượng dạy học, các thầy cô phải không ngừng vượt khó vươn lên, được xem là những “chiến sĩ” trên mặt trận tri thức.
Cô Vũ Thị Hoài Thu (sinh năm 1984), giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội cũng vậy. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, cô giáo Hoài Thu tâm sự rằng cô luôn xác định phải làm sao đảm bảo được chất lượng dạy học, làm sao để học sinh của mình được vui vẻ, hạnh phúc trong bối cảnh dịch COVID-19 chuyển biến phức tạp, không được đến trường.
Cô Vũ Thị Hoài Thu trong giờ dạy online. Ảnh: Quang Hùng
Trong năm học này, cô giáo Hoài Thu vừa dạy văn lớp 6 theo chương trình đổi mới, vừa dạy văn lớp 9 để chuẩn bị cho các em thi chuyển cấp. Ngoài ra, cô còn làm công tác chủ nhiệm lớp 6A2. Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến cô Hoài Thu thay đổi nhiều thói quen trong hoạt động dạy học. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì bản thân cô Hoài Thu cũng xác định sẵn sàng góp sức vì sự nghiệp chung.
Chia sẻ với phóng viên, cô Hoài Thu cho rằng bước sang năm thứ 2 có dịch COVID-19 nên cô không còn bỡ ngỡ như những thời gian đầu. Với cô, những tác động của đại dịch hiện nay đối với việc dạy học của mình sẽ không còn lớn như năm đầu tiên. “Các giáo viên, học sinh, phụ huynh đã có những thay đổi để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh có dịch. Dạy Ngữ Văn hay bất cứ môn học nào thì việc dạy trực tuyến vẫn tồn tại những khó khăn. Tuy nhiên, cả cô và trò cố gắng khắc phục, linh hoạt thích ứng để phù hợp với hoàn cảnh mới” – cô Hoài Thu tâm sự.
Ngành giáo dục trong năm học này chịu nhiều thách thức nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn xác định mục tiêu “vạn biến về phương pháp nhưng bất biến về chất lượng”. Với thầy cô, những áp lực thật khó thể đong đếm khi vừa phải tổ chức dạy học trực tuyến, đổi mới chương trình dạy học và chống dịch. Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp cận với nhiều thầy cô giáo thì điều dễ dàng nhận thấy được ở mỗi người đó là phong thái tự tin đương đầu với khó khăn. Cô Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1994) giáo viên dạy Toán, chủ nhiệm lớp 7A1 Trường THCS Thái Thịnh cũng chia sẻ với phóng viên rằng, năm học này cô Thảo cùng với các đồng nghiệp đã thuần thục với các kỹ năng dạy học trực tuyến.
Để có những bài dạy hay, cô Nguyễn Thị Thảo phải không ngừng trau dồi thêm chuyên môn. Ảnh: Quang Hùng
Theo cô Thảo, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới giáo dục nhưng trong hai năm qua thầy cô và học sinh trong nhà trường đã không ngừng cố gắng và đến hiện nay Trường THCS Thái Thịnh nơi cô dạy học đã có một hệ sinh thái dạy học trực tuyến. “Khó khăn lớn nhất đối với dạy học trực tuyến chính là đường truyền internet. Ở nhiều khu vực, chất lượng đường truyền internet không ổn định. Tới đây khi học sinh được quay lại trường thì cô trò sẽ cố gắng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để tổ chức dạy học trực tiếp. Còn nếu tình hình dịch phức tạp, học sinh phải ở nhà thì việc dạy học trực tuyến được triển khai nhanh mà không gặp bất cứ rào cản khó khăn nào” – cô Thảo tự tin cho biết.
Các kịch bản đã lên sẵn cho mọi tình huống
Hà Nội có nhiều thuận lợi hơn trong việc tổ chức dạy học trực tuyến so với các địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngay cả ở các địa phương ở vùng quê thì việc thầy cô và học sinh cũng không quá bỡ ngỡ trong việc chuyển đổi trạng thái dạy học trong bối cảnh mới.
Quảng Trị là địa phương mà dịch COVID-19 hiện chứa đựng nhiều tiềm ẩn rủi ro. Những ngày gần đây đã xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - bà Lê Thị Hương bày tỏ sự tự tin trong việc triển khai dạy học theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thầy Nguyễn Cao Cường luôn trăn trở làm sao để nhà trường, thầy cô, học sinh đảm bảo được chất lượng dạy học trong hoàn cảnh dịch COVID-19 kéo dài. Ảnh: Quang Hùng
Hiện tại ở Quảng Trị, tất các địa phương học trực tiếp, chỉ riêng thành phố Đông Hà là dạy trực tuyến. “Thời gian qua, việc thầy trò ở Quảng Trị đã quen với việc chuyển đổi trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Nên việc chuyển đổi của thầy cô và học sinh khá linh hoạt” – bà Hương chia sẻ.
Chia sẻ thêm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, Sở đã xây dựng phương án thích ứng với Nghị quyết 128 theo các vùng (xanh, vàng, da cam, đỏ) để các đơn vị trường học, phòng giáo dục và đào tạo bám theo để thực hiện. “Tại Quảng Trị cơ bản khu vực nông thôn vẫn đang là vùng xanh, dạy học đa số là trực tiếp. Tuy nhiên các thầy cô, nhà trường đã xây dựng các kịch bản rất cụ thể trong trường hợp nào thì tổ chức dạy trực tuyến, trường hợp nào dạy trực tiếp, lớp nào đi học, lớp nào ở nhà… Các phương án đều đã được thiết kế chủ động để tổ chức dạy học” – bà Lê Thị Hương cho biết.
Khác với các năm học trước đây khi chưa có dịch, trong hai năm học gần đây, đa số các nhà trường phổ thông trong cả nước xây dựng kế hoạch năm học luôn sẵn hai phương án. Đó là dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến tùy theo hoàn cảnh của dịch bệnh.
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh chia sẻ với phóng viên: “Kịch bản dạy học trực tiếp và trực tuyến của nhà trường sẵn sàng thực hiện bất kỳ lúc nào. Việc học sinh đang học vào trực tiếp ở thời điểm này nhưng có chỉ đạo từ chính quyền thông báo ngày mai học sinh phải nghỉ thì kịch bản dạy học trực tuyến được khởi động ngay. Việc này sẽ diễn ra hoàn toàn bình thường không có gì phức tạp nữa” – thầy Cường nhấn mạnh.
Để đạt được sự chuyển biến linh hoạt, các trường học trong cả nước thời gian dài đã phải nỗ lực vượt khó vươn lên. Nhờ việc chủ động tập huấn, mời các chuyên gia, nhà giáo đến từ các tập đoàn công nghệ và các trường dân lập, quốc tế về trao đổi với giáo viên trong nhà trường nên các thầy cô đã hoàn thiện hơn các kỹ năng dạy học trực tuyến.
Trong 2 năm vừa qua, giáo dục cả nước tổ chức dạy học trực tuyến, các thầy cô trong cả nước chủ động trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm và phương pháp dạy học mới. Họ đã không đóng kín trong khuôn khổ một trường học mà kết nối chia sẻ với nhau nên đã tạo nên hệ sinh thái dạy học trực tuyến phong phú mà bất cứ giáo viên nào muốn trau dồi thêm nghiệp vụ cũng có thể tiếp cận được. Chính vì lẽ đó mà dù trong đại dịch học sinh không đến trường thì công tác dạy học vẫn được thực hiện một cách có hiệu quả.
Nhiều người ví von rằng nếu trước đây “bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ” thì bây giờ không phải là ở dưới hầm sâu nữa mà ngay tại trong nhà các thầy cô giáo kiên cường chống dịch bằng các bài giảng đầy tâm huyết và họ cũng xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tri thức.