Dạy văn hóa trong trường nghề: Vận động theo hướng tích hợp
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, cần xem lại việc dạy văn hóa trong trường nghề, trường năng khiếu phải gắn liền với việc học chuyên môn của các em, đó mới là hướng đi bền vững. Đó cũng là xu hướng thế giới hiện nay.
Cần có phương án công nhận quá trình dạy và học
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng câu chuyện ở Học viện Múa là sự việc đã xảy ra rồi. Nhìn từ phía quyền lợi của người học, không thể phủ nhận quá trình các em HS đã học tập trong 6 năm qua với sự thể hiện đầy đủ là các bài kiểm tra, học bạ từng năm.
Vì vậy, GS Dũng đề xuất Bộ GDĐT cần rà soát lại chương trình học đã đúng, đủ, bám sát nội dung cần đạt hay chưa, cần thì tổ chức thi đánh giá khả năng, trình độ văn hóa của HS Học viện Múa Việt Nam để không uổng phí thời gian học nhiều năm qua của các em.
Nếu như đủ điều kiện thì đồng ý cấp bằng THCS, THPT cho các em. Trong trường hợp thiếu phần kiến thức, kỹ năng nào thì có hướng dẫn học bù để các em được tạo điều kiện học lên cao hơn hoặc rẽ hướng khi cần.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, học tập suốt đời là quyền của mỗi người. Nếu như chỉ vì tấm bằng THCS, THPT chưa có trong khi các em đã theo học trong nhà trường (dù có thể chưa đầy đủ tất cả các môn) sẽ làm hạn chế cơ hội được học mở rộng, học cao hơn của các em. Điều này không phù hợp với chủ trương khuyến khích mỗi người dân tăng cường tự học, nâng cao trình độ, kiến thức của mình.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “ham muốn tột bậc” của Người là “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”… nên cần tạo điều kiện để các em được học tiếp theo nhu cầu, trình độ của mình. Còn việc tuyển sinh của các trường ĐH ngày nay đang hướng đến tự chủ nên tuyển ai, yêu cầu thế nào thì các em phải tự mình vượt qua.
Từ câu chuyện này, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần nhìn lại việc dạy văn hóa trong trường nghề, trường năng khiếu. Các bộ phải cùng nhau bàn bạc trên cơ sở thống nhất chung là đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi, thuận lợi cho người học.
Hiện nay nhiều trường nghề, trường năng khiếu có cơ sở vật chất rất tốt, khuôn viên rộng rãi, phù hợp với việc vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề, dạy năng khiếu. Nên hình thức kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường THCS, THPT để cử giáo viên, quản lý về chương trình học… là phù hợp.
Còn địa điểm học vẫn nên là phù hợp với thực tế. Có thể là trong khuôn viên trường nghề, trường múa… nếu như nhà trường bố trí được để tránh HS phải di chuyển mất thời gian, công sức. Điều này không trái với quy định mà cũng tạo thuận lợi cho HS vốn đang còn ở lứa tuổi còn nhỏ.
“Quyết định cải tiến nào cũng cần có lộ trình và với những trường, những khóa HS đã đào tạo theo kiểu cũ thì cần tạo điều kiện công nhận cho các em để tránh thiệt thòi” - GS Nguyễn Lân Dũng đề xuất.
Dạy văn hóa gắn với tiêu chuẩn kỹ năng nghề
Về lâu dài, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần xem lại việc dạy văn hóa trong trường nghề, trường năng khiếu cần gắn liền với việc học chuyên môn của các em, đó mới là hướng đi bền vững. Vì phải học song song cả văn hóa và nghề (hoặc nghệ thuật) là khá nặng so với các HS phổ thông khác nên có thể dẫn tới tình trạng HS bỏ học, không theo nổi. Trong khi đó, việc học nếu “rải mành mành” như chương trình dành cho HS phổ thông nói chung thì sẽ mất thời gian mà không hiệu quả vì không phục vụ sát sườn cho việc học nghề, học chuyên môn.
Chia sẻ quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng cần phải đổi mới chương trình căn cơ hơn với tầm dài hơi hơn theo hướng dạy tích hợp mà không mang tính chắp vá. Xu hướng dạy tích hợp các môn học văn hóa với các môn kỹ năng nghề như các nước châu Âu là xu hướng phổ biến hiện nay.
Trên thực tế, không phải giáo viên dạy văn hóa nào cũng hiểu biết nhiều về các nghề đào tạo của trường cao đẳng/trung cấp nghề hay trường nghệ thuật mà họ giảng dạy. Hầu hết họ đều chưa được đào tạo để dạy tích hợp nên vấn đề hiện nay đó là cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng được việc giảng dạy tích hợp, gắn các môn văn hóa với các tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Muốn vậy, cần thay đổi từ nhận thức của người dạy và người học, thậm chí cấp quản lý đó là phải bám sát vào mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được ghi trong Luật Giáo dục: “ ...chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dạy các môn văn hóa đậm nét về lý thuyết sẽ xa rời mục tiêu GDNN và lại chuyển sang mục tiêu của thi cử và liên thông.
“Các chương trình theo hướng này hiện đá có ở một số nước châu Âu như Phần Lan, chúng ta có thể xem để tham khảo. Việc của chúng ta là đào tạo giáo viên và tổ chức quản lý đào tạo cho tốt”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết phụ huynh, HS và nhà trường không ai muốn mất thêm thời gian, tiền bạc để dạy và học song song hai chương trình. Chương trình giáo dục phổ thông gồm 9 năm giáo dục cơ bản (THCS) và 3 năm giáo dục hướng nghiệp. Do đó chương trình giáo dục nghề nghiệp và THPT có rất nhiều nội dung trùng lặp. Chương trình giáo dục nghề nghiệp tích hợp các môn văn hóa là hướng tất yếu.
“Khi còn là Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, tôi đã chỉ đạo nghiên cứu và dự thảo sẵn thông tư hướng dẫn ban hành chương trình trung cấp, cao đẳng tích hợp học nghề với học văn hóa. Ngay sau khi Bộ GDĐT ban hành thông tư quy định về dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH sẽ ban hành hướng dẫn này và tổ chức tập huấn triển khai”, ông Lê Quân thông tin.