ĐB Nguyễn Hữu Cầu tranh luận về lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKS
Tranh luận về Luật Giám định tư pháp, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng nếu muốn chống oan sai mà phải thành lập một phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là không phù hợp.
Chiều ngày 21-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình cũng như Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và sau đó là thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Một trong những nội dung đáng chú ý và gây tranh luận rất nóng trên nghị trường là nội dung Bổ sung quy định về tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) trong dự thảo.
Tờ trình của Chính phủ cho biết theo đề nghị của VKSNDTC và để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử ngày càng tăng trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, đặc biệt từ ngày 1-1-2020 các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, dự thảo Luật đã bổ sung điểm d khoản 4 Điều 12 về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Qua thảo luận tại nghị trường, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. ĐBQH Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc), bày tỏ tán thành với quy định tại dự thảo luật và cho rằng việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Theo ĐB Trần Hồng Hà, từ ngày 1-1-2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH lại đề nghị không bổ sung quy định về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, với lập luận VKSND vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ khó đảm bảo tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng.
ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng việc bổ sung quy định này, về yêu cầu thực tế là chưa thực sự cần thiết. "Nếu bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC sẽ không phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 về tinh giản biên chế cũng như sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước".
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương), Thiếu tướng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng nếu lấy lý do hiện chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định tư pháp dẫn đến quá tải mà bổ sung vào luật quy định về phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC thì e rằng không phù hợp. "Nếu nói vậy, sao chúng ta không thành lập thêm các phòng chuyên môn trong lực lượng Công an”- ĐB Hồng nói và cho rằng nếu lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC, tuy không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành song sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Giơ biển xin tranh luận lại với ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Xuân và ĐB Nguyễn Thanh Hồng, ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng "Câu chuyện ở đây không phải là quá tải mà chưa bao giờ yêu cầu phải tránh oan sai trong hoạt động triển khai truy tố, xét xử đòi hỏi cao như hiện nay. Việc thiết kế một cơ quan giám định tư pháp thuộc VKSNDTC xuất phát từ yêu cầu này.
Không tán thành, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, lập tức xin tranh luận và cho rằng quan điểm muốn chống oan sai thì phải thành lập 1 phòng giám định của VKSNDTC là không phù hợp.
"Nếu vì tránh oan sai như thế thì phải thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) chứ không phải VKSNDTC, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của tòa mới buộc được người đó có tội hay không"- ĐB Cầu nói và đề nghị vấn đề này cần được xem xét cẩn trọng.