ĐB Nguyễn Lân Hiếu: Tư duy nhiệm kỳ làm kiến nghị giá trị bị rơi vào quên lãng
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, tư duy nhiệm kỳ làm cho rất nhiều kiến nghị chính xác, có giá trị đóng góp cao bị rơi vào quên lãng.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) bày tỏ băn khoăn về việc kiến nghị của cử tri được các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chuyển đến nhưng chưa được Chính phủ trả lời, hoặc cho dù đã thống nhất kết luận nhưng vẫn chưa thực hiện.
"Theo số liệu thống kê, con số này là hàng trăm, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Tư duy nhiệm kỳ làm cho rất nhiều kiến nghị chính xác, có giá trị đóng góp cao bị rơi vào quên lãng sau vài năm kiến nghị", đại biểu Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng đề nghị Chính phủ có thể tổng kết các kiến nghị có số lượng đại biểu Quốc hội, số lượng các Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều lần nhất và công khai ý kiến này ở các kênh thông tin đại chúng, như là Cổng thông tin Chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát.
"Ví dụ như ở An Giang, cử tri luôn luôn chất vấn tôi là tại sao kiến nghị xây đường tránh Long Xuyên không được thực hiện. Nếu Chính phủ có thể tổng kết bao nhiêu lần bản thân tôi và Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang không chỉ nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ trước đó đã đề cập đến vấn đề này thì chắc chắn cử tri có thể an tâm là chúng tôi đã cố gắng hoàn thành hết nhiệm vụ của mình", đại biểu Hiếu cho hay.
Liên quan đến việc xây dựng, soạn thảo các đạo luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ và các bộ, ngành, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần phải có một cách làm khác, một quy trình minh bạch hơn để đảm bảo tiến độ, đặc biệt chất lượng các đạo luật, không để nhiều dự thảo luật đưa ra còn quá nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội, ngay cả trong quá trình thảo luận luật, thậm chí có đạo luật vừa ban hành đã phải dừng lại để sửa đổi.
Theo đại biểu đoàn An Giang, thời gian gửi dự thảo đến các đại biểu Quốc hội cần đúng theo thời gian quy định. Các luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới, so sánh với luật cũ, đánh giá tác động rõ ràng, tường minh, tránh lợi ích nhóm, tránh tư duy địa phương, cục bộ.
Thêm nữa, các lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm. Nếu không giữ được lộ trình đó cần phải giải trình tường minh trước Quốc hội, tránh để những dự luật như Luật về Hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa này, nhưng không chắc đến kỳ sau đạo luật này có được đưa ra thảo luận lần hai hay không.
"Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được sửa đổi 3 kỳ liên tiếp, gần đây có trong chương trình nghị sự lại bị đưa ra vào phút chót. Một điều luật có tác động rất lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID. Chính vì vậy, tôi cũng mong ngay trong kỳ Quốc hội khóa XV sẽ có danh sách đạo luật này được đưa vào sửa đổi đầu tiên", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.