ĐB Nguyễn Thiện Nhân: Các nước dành 10% GDP để chống dịch, nước ta là hơn 2%

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho biết hai năm liền tăng trưởng kinh tế của cả nước dưới 4%, đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1995 tới giờ; vì vậy cần rà soát, điều chỉnh trong tình hình mới.

Sáng 5-10, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 6 đã có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận Bình Tân trước kỳ họp thứ hai QH khóa XV.

Đơn vị 6 gồm ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ĐB Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP và ĐB Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân trả lời cử tri quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân trả lời cử tri quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Tại buổi tiếp xúc, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đã nhìn nhận lại quá trình dịch COVID-19 lây nhiễm từ tháng 1-2020, đến khi được công bố là dịch bệnh lây nhiễm toàn cầu.

Cần có tổng kết để làm tốt hơn

Theo ông, tinh thần phòng và chống dịch là cần để mức độ lây nhiễm giảm xuống đến mức không còn đe dọa nhiều nữa, cùng với đeo khẩu trang, sống với việc lây nhiễm trong trạng thái bình thường mới.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tiêm vaccine xong không có nghĩa là mở khẩu trang đi bình thường được. “Còn phải đeo khẩu trang một thời gian nữa” – ông nói và cho biết đã từng có bài học do không đeo khẩu trang nên bị lây nhiễm trong trường học.

Ông cho biết đã chứng kiến các địa phương, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì TP mới được như ngày hôm nay. Tất nhiên nếu nhìn lại có việc chúng ta sẽ làm khác, làm tốt hơn.

Đoàn ĐBQH TP sẽ có kiến nghị với UBND TP, có thể cuối tháng 10-2021 nên có tổng kết bốn tháng phòng chống dịch, rút ra những kinh nghiệm giúp ta phòng chống dịch hiệu quả, khẳng định những gì làm được, ghi nhận biểu dương sự vào cuộc hết mình của đội ngũ cán bộ y tế, công an, quân đội, tổ chức tình nguyện, tổ trưởng dân phố, khu phố, cựu chiến binh… Từ đó, rút ra bài học cho việc gì phải làm khác đi nếu sắp tới có dịch xảy ra.

Ông Nhân ghi nhận ý kiến đề nghị sớm được cung cấp đủ vaccine cho quận Bình Tân. Ông cho rằng bên cạnh việc mua vaccine thì cần vận động, xin hỗ trợ, trao đổi để tăng lượng vaccine.

Các nước dành 10% GDP để chống dịch, còn nước ta là hơn 2%

Về việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nhưng do chưa có kinh nghiệm xử lý dịch quy mô lớn nên tổ chức thực hiện còn khó khăn, quy trình còn phức tạp, chưa giải ngân hết nguồn vốn đã dành cho chương trình.

Ông nhìn nhận so với các nước thì kinh phí của nước ra dành cho việc này là còn thấp. Qua nghiên cứu, hai năm qua, các nước dành mức hỗ trợ cho công tác phòng dịch khoảng 10% GDP, có trường hợp vay nợ công của Chính phủ để thực hiện thì mới đủ. Trong khi đó, kinh phí chúng ta chuẩn bị cho việc chống dịch là hơn 2% GDP và sắp tới Trung ương sẽ bàn tiếp về việc này.

Theo ông Nhân, TP đã rất nỗ lực chăm lo cho người dân nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu. Bà con lên TP để sống, làm việc, góp phần phát triển TP, vừa qua họ phải về vì họ không còn điều kiện, không còn thu nhập sống ở đây nữa. Đây là điều cần suy nghĩ, lường trước khi ổn định xã hội, để việc hỗ trợ người dân sát thực tế.

Ông tin rằng khi TP có tổng kết xong, Chính phủ có quyết sách các gói hỗ trợ thì sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ mạnh hơn, sát hơn để tạo điều kiện cho bà con trở lại làm việc cho TP.

Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nhìn nhận, chúng ta đã có đường lối phát triển đất nước 5 năm trong nhiệm kỳ này, cũng như định hướng tới năm 2030-2045, cơ bản sẽ không thay đổi nhưng dịch bệnh diễn ra hai năm nay đã làm cho điều kiện kinh tế khác hơn. Do đó trong 5 năm này cần có thích nghi với điều kiện dịch toàn cầu, chung sống với lây nhiễm trong tình hình mới.

Theo nguyên Bí thư TP.HCM, tăng trưởng kinh tế của cả nước đã chậm lại hai năm liên tục, năm ngoái tăng trưởng 2,9%, năm nay dự kiến khoảng 3,5%. “Hai năm liền tăng trưởng kinh tế dưới 4%, đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1995 tới giờ, cần rà soát, điều chỉnh trong tình hình mới” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nhân cũng cho biết, giai đoạn 1997-1999 có khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á, đến năm 2007-2009 thì khủng hoảng nợ công toàn cầu, còn năm 2019-2020 thì có dịch COVID-19. Qua đó, cứ bình quân 10 năm thì sẽ có một khủng khoảng quy mô khu vực và toàn thế giới; vì vậy cần có sự dự báo, chuẩn bị sẵn sàng.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tăng tính tự chủ kinh tế bên trong, tận dụng cơ hội, những lĩnh vực đảm bảo bền vững quốc gia, cơ chế chính sách như bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, doanh nghiệp, việc làm tốt hơn để có nguồn lực tự phục hồi khó khăn.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/db-nguyen-thien-nhan-cac-nuoc-danh-10-gdp-de-chong-dich-nuoc-ta-la-hon-2-1019739.html