ĐB Quốc hội đề xuất giữ án tử với hành vi sản xuất, mua bán thuốc giả

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, lực lượng chấp pháp đã rất vất vả để phát hiện, xử lý kịp thời. Vậy tại sao chúng ta lại phải giảm án?

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó tập trung vào đề xuất bỏ hình phạt tử hình một số tội danh.

Theo dự luật sửa đổi, 8 tội danh được đề xuất bỏ án tử hình gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Phát biểu tại buổi họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, phản đối đề xuất bãi bỏ án tử hình đối với các tội danh nghiêm trọng như tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy, và đặc biệt là sản xuất, kinh doanh thuốc giả.

Án tử không chỉ là hình phạt, mà là lời cảnh báo

Bà Lan nhấn mạnh: "Hành vi sản xuất thuốc giả, thực phẩm chức năng giả hay sữa giả không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng mà còn đặt ra thách thức ngày càng lớn cho lực lượng thực thi pháp luật. Trong bối cảnh tình hình tội phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, lực lượng chấp pháp, cơ quan hành pháp đã rất vất vả để phát hiện, xử lý kịp thời. Vậy tại sao chúng ta lại phải giảm án?".

Theo bà, lý do "nhân văn" hay "hòa nhập với thế giới" không thể là cớ để làm nhẹ đi trách nhiệm của những kẻ gây tội ác cho xã hội.

"Thử hỏi thân nhân của các nạn nhân, thậm chí mất mạng vì thuốc giả, sẽ cảm thấy thế nào khi biết rằng hung thủ có thể thoát án tử? Và đừng nói rằng họ không ý thức được việc mình làm. Với bao nỗ lực tuyên truyền, với thực tế phơi bày, hầu hết tội phạm đều biết rõ hậu quả nghiêm trọng, nhưng vẫn bất chấp vì lợi ích riêng", bà nói.

 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn cho rằng việc bãi bỏ án tử hình trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như sản xuất, kinh doanh thuốc giả không chỉ tạo ra bất công với nạn nhân và gia đình họ, mà còn gây tổn thương sâu sắc cho những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe.

"Tôi đồng ý là chúng ta có các khung hình phạt tăng dần theo mức độ vi phạm, nhưng vẫn phải giữ mức cao nhất - tử hình - cho những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, để nhân dân thấy rằng Quốc hội xây luật là vì nhân dân, không khoan nhượng với tội ác", bà nhấn mạnh.

Bà cũng đề xuất mở rộng khung hình phạt tử hình đối với cả hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, sữa giả - những sản phẩm chủ yếu phục vụ nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Theo bà, đây là những hành vi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn phá hoại niềm tin của toàn xã hội, nên cần được xử lý nghiêm khắc, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hàng giả không tự nhiên lọt lưới

Trước sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, Bộ Công thương và các lực lượng công an trong việc truy quét hàng giả, trao đổi với Tri Thức - Znews, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, vốn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, việc truy cứu trách nhiệm một số cán bộ tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vừa qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng vấn nạn hàng giả, hàng nhái không phải chỉ mới xuất hiện trong vài tháng gần đây mà đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm, gây phẫn nộ trong dư luận.

 Nhiều loại thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng được phát hiện thời gian gần đây. Ảnh: CACC.

Nhiều loại thuốc giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng được phát hiện thời gian gần đây. Ảnh: CACC.

"Tại sao suốt thời gian dài như vậy, sự việc này không bị phát hiện và xử lý? Phải chăng trước đây, công tác kiểm tra giám sát chỉ làm cho có, hoặc đã bị lót tay, mua chuộc? Nếu thực hiện nghiêm túc, không một sản phẩm giả nào có thể lọt qua mắt cơ quan chức năng", ông đặt câu hỏi.

Ông Hòa không ngần ngại chỉ rõ những kẽ hở: "Chỉ khi có sự lơ là, tiếp tay, thậm chí là 'chân trong chân ngoài', hàng giả mới có thể ung dung lưu thông. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả đâu có ẩn náu nơi rừng núi hoang vu, mà phần lớn là ở những vị trí thuận tiện giao thông, nhà xưởng khang trang, vậy mà cơ quan chức năng lại không phát hiện thì quả thật khó hiểu".

Theo ông, Việt Nam hoàn toàn đủ phương tiện kỹ thuật để kiểm nghiệm, xét nghiệm sản phẩm ngay tại cơ sở sản xuất, chứ không cần đợi đến khi hàng hóa tràn ra thị trường và gây hại cho người tiêu dùng mới phát hiện.

Ông Hòa cũng chỉ ra điểm yếu trong quản lý hàng hóa thương mại điện tử khi vẫn còn tư duy "tiền kiểm", thay vì chuyển sang "hậu kiểm".

"Tất cả tổ chức kinh doanh phải đăng ký chất lượng hàng hóa, từ đó cơ quan chức năng cần có trách nhiệm phối hợp hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Phải phân công rõ trách nhiệm, không để tình trạng chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng thanh tra, kiểm tra phải có yếu tố bất ngờ, đột xuất, tránh tình trạng "báo trước", để người vi phạm kịp thời che giấu, đối phó. Chỉ khi kiểm tra đột xuất, bí mật, mới có thể phát hiện và xử lý tận gốc.

Ông Hòa kiến nghị xử lý nghiêm minh, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cán bộ tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm. Đối với những tổ chức sản xuất hàng giả vi phạm, việc xử lý vi phạm hành chính nên ở mức cao nhất, nặng thì phải xử lý hình sự nếu có dấu hiệu hình sự.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự vào ngày 25/6.

Thời gian gần đây, trước thực trạng hàng giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, sữa giả tràn lan trên thị trường, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh nhằm bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa yêu cầu các sở y tế và sở an toàn thực phẩm trên cả nước siết chặt kiểm tra, quản lý hoạt động quảng cáo và hậu kiểm thực phẩm. Nổi bật là chỉ đạo thành lập tổ công tác chuyên rà soát, xử lý vi phạm liên quan quảng cáo thực phẩm.

Đồng thời, từ 15/5 đến 15/6, Bộ Y tế sẽ triển khai các đoàn kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, cục cũng yêu cầu các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý cấp phép, kiểm nghiệm, hậu kiểm và cấp chứng nhận điều kiện sản xuất, góp phần

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/db-quoc-hoi-de-xuat-giu-an-tu-voi-hanh-vi-san-xuat-mua-ban-thuoc-gia-post1556181.html