ĐB Quốc hội: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Sáng 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Cần quy định rõ, tránh lặp lại vụ “con ruồi”
Các ý kiến của đại biểu hầu hết bày tỏ sự đồng tình với việc phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra hai dự án Luật này cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem xét tập trung sửa đổi, bổ sung 7 nhóm chính sách lớn về giao dịch đặc thù, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sự tham gia của các tổ chức xã hội, những vấn đề về giải quyết tranh chấp và trách nhiệm về quản lý nhà nước.
Quá trình nghiên cứu, cơ quan thẩm tra đánh giá, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới trên dưới 20 luật khác. Luật này là trung tâm trong hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến nội dung này, trong đó chú trọng đến các nhóm người tiêu dùng yếu thế.
Dẫn lại câu chuyện con ruồi có trong chai nước ngọt, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn Quảng Bình cho rằng, Ban soạn thảo nên xem xét lại Điều 56 của Dự thảo luật bởi trong Điều này có nhấn mạnh đến vấn đề thương lượng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế quy định này không phù hợp với bản chất của thương lượng.
Theo đó, mới đầu, khi xảy ra vụ việc, người tiêu dùng và doanh nghiệp yêu cầu thương lượng, nhưng không thành công. Sau đó, 2 bên thống nhất, doanh nghiệp bồi thường cho người tiêu dùng với số tiền 35 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền, người tiêu dùng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Từ vụ việc này, theo đại biểu Cường, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần phải có những quy định rõ ràng, nhất là những vấn đề liên quan đến việc thương lượng như thế nào.
“Ngoài người tiêu dùng thì ai sẽ là người đứng ra làm trọng tài cho cuộc thương lượng đó, như thế mới thực sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh lặp lại tình trạng tương tự”, đại biểu Cường nêu ý kiến.
Bảo vệ quyền lợi người mua hàng trên mạng
Tại buổi thảo luận tổ, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu ý kiến về quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Theo nữ đại biểu, hiện nay, nhiều giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng. Trong khi đó, nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau, người mua hàng trên mạng bị lừa, nhận được những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận trên mạng.
Tuy nhiên, khi người tiêu dùng nhận được hàng không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng mẫu mã vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường. Thậm chí, có những người bán hàng thoát khỏi giao dịch, gây bức xúc.
Trong khi đó, chế tài xử lý hiện nay đối với những trường hợp này lại chưa có hoặc không kiểm soát được do đó dự thảo luật nên có quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cũng cho rằng, xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến vì vậy nên rà soát lại những phương thức, cách thức giao dịch khác, đặc biệt là trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong những giao dịch này.