ĐB Quốc hội: Quy định chặt chẽ để tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh

Kinhtedothi- Chiều 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều vấn đề thực tế đặt ra với ngành y liên quan đến đấu thầu, giá dịch vụ, thu hút đầu tư được các đại biểu đề cập tới.

Minh bạch về cơ chế tài chính cho bệnh viện công

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn tỉnh Đồng Nai), nên thông qua Dự Luật này tại 3 kỳ họp. Bởi hiện nay đang có một số chính sách mới được bổ sung và một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, đây là Dự Luật rất quan trọng, không chỉ là kim chỉ nam cho xử lý những vấn đề trước mắt, những vấn đề đang rất bức xúc mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiến bộ. Do đó, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, đặc biệt những vấn đề đưa ra phải thật sự “chín”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng nêu rõ, y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, lâu nay ngành y tế được được đối xử như những quan hệ bình thường của xã hội, từ lao động, việc làm, mua sắm, đấu thầu… Theo đại biểu, cần có những chính sách cụ thể đối với ngành y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu, đồng thời có những chính sách đặc thù để tháo gỡ những tồn tại từ trước đến nay.

Về cụ thể, đại biểu nhận thấy những vấn đề đang xảy ra hiện nay không nằm ở vấn đề chuyên môn mà nằm tại các điều kiện bảo đảm như giá, tự chủ, thiết bị,…Do đó, cần quan tâm đến những vấn đề cụ thể.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) quan tâm đến cơ chế tài chính của bệnh viện công. Theo đại biểu, đây là nội dung hết sức quan trọng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều, rất cần làm rõ, minh bạch về cơ chế tài chính để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) góp ý vào Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) góp ý vào Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, với các bệnh viện công lập, cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng. Trong Dự Luật chưa thấy có điều riêng cho vấn đề cơ chế tài chính với bệnh viên công

Về nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung vào Điều 4 chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh như sau: Bổ sung thêm cụm từ “đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển” vào ý đầu tiên của Điều 4: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, bổ sung khoản 8 vào Điều 4 giao Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở y tế về vay vốn, miễn giảm thuế, bổ sung kinh phí khi nguồn thu bị sụt giảm không đảm bảo chi cho các hoạt động của cơ sở y tế. Cụ thể là Chính phủ ban hành các chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở y tế để đầu tư cách trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện; Bổ sung kinh phí đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện khi thu không đủ bù chi chuyên.

Mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế

Cho ý kiến về vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đây là vấn đề phức tạp của ngành y tế, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế. Đại biểu cho rằng, lần sửa đổi Luật này là cơ hội lớn để tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh; sửa đổi các quy định hiện hành để các cơ sở y tế quản lý được, thực hiện được một cách công khai, thuận lợi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn

Điều 106 của Dự Luật quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Theo đại biểu, chỉ quy định "tính đủ” sẽ không đảm bảo được về việc tính đúng. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các quy định của Luật đi vào đời sống và tạo được hiệu quả rõ ràng khi Luật được ban hành và áp dụng trong thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang) thì cho rằng, Dự Luật đang quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần phải nghiên cứu thêm nội dung này.

Theo đại biểu, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng thì thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

“Theo đó, Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Nhà nước cũng quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa”- đại biểu góp ý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng chỉ rõ thực trạng, khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc. Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám bệnh, chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang. Do vậy, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.

Các đại biểu cũng đề xuất, thực tiễn trong thời gian qua, rất nhiều y, bác sĩ đã xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác dù đã có thời gian gắn bó lâu dài. Nếu không đảm bảo được cuộc sống, không có chính sách đãi ngộ phù hợp thì sẽ không giữ chân được lực lượng này, gây lãng phí nguồn lực và lực lượng y tế trong thời gian tới sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy, cần nghiên cứu khẩn trương để xây dựng các chính sách ưu đãi cụ thể để kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ này.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-quy-dinh-chat-che-de-tinh-dung-tinh-du-gia-kham-chua-benh.html