ĐBQH: Bệnh viện tự trả lương sẽ khiến bệnh nhân phải khám dịch vụ, giống học sinh phải đi học thêm
Thảo luận tại Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, dịch bệnh đã chỉ ra không ít những bất cập, hạn chế về chính sách pháp luật trong ngành y tế…
Chiều nay, 26-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án luật quan trọng là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Thanh tra.
Yêu cầu bác sĩ nước ngoài phải biết tiếng Việt khi khám tại Việt Nam là vô lý
Phát biểu thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội chiều 26-5, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ba năm qua, có thể nói chưa bao giờ và chưa khi nào, hệ thống y tế phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như vậy.
Dịch bệnh đã chỉ ra không ít những bất cập, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ băn khoăn về quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Nữ ĐBQH đoàn Hà Nội đề nghị, việc quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải biết tiếng Việt thành thạo cần nghiên cứu được xem xét. Thực tế nhiều bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao nhưng không có khả năng nói tiếng Việt tốt, đặc biệt tiếng Việt không phải là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.
Như ở Hà Nội, có một số phòng khám Hàn Quốc, Nhật Bản có bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nếu chỉ cho phép các bác sĩ này khám cho người có cùng ngôn ngữ thì sẽ làm hạn chế quyền được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân Việt Nam. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mời các bác sĩ có chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại nhưng những người dân Việt Nam lại không được sử dụng dịch vụ là không phù hợp” – ĐB Nhị Hà nói.
Về xã hội hóa công tác khám chữa bệnh (Điều 90), ĐB Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa là đặc biệt cần thiết nhưng thực tế hiện nay công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Vì thế, bà Hà đề nghị quy định tại Khoản 3 Điều 90 chỉ mang tính nguyên tắc, và cần bổ sung thêm quy định: “Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”.
Bệnh viện tự trả lương sẽ giống tình trạng học sinh phải học thêm
Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là cơ chế tài chính y tế và cơ chế tự chủ bệnh viện.
Theo các ĐBQH, giá khám bệnh bảo hiểm y tế lâu nay chưa sát với chi phí thực tế đã dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng 1 bệnh viện 2 chế độ, phân biệt rõ ràng giữa người có tiền sử dụng dịch vụ yêu cầu và người nghèo phải khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cũng lưu ý, xu hướng bệnh viện tự chủ hoàn toàn, tự trả lương cho y bác sĩ sẽ dẫn tới người bệnh buộc phải khám chữa bệnh theo yêu cầu với giá cao hơn.
“Trong luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã có ý tưởng về vấn đề tự chủ của bệnh viện. Hiện nay đa số các bệnh viện ít nhất cũng đã tự chủ một phần, rất ít bệnh viện được bao cấp hoàn toàn.
Tuy nhiên việc tự chủ bệnh viện hiện nay chỉ là Nhà nước không chi lương. Bệnh viện tự lo trả lương cho cán bộ nhân viên. Điều đó dẫn tới phải thu trên đầu người bệnh. Nếu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế rẻ quá thì các bệnh viện phải trông chờ vào nguồn thu dịch vụ. Điều này không khác gì việc học sinh phải đi học thêm” – ĐB Phong Lan nói.
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này cần phải xem xét lại vấn đề bệnh viện tự trả lương cho y, bác sĩ.
“Cũng như lĩnh vực giáo dục, các dịch vụ y tế là vấn đề an sinh xã hội, Nhà nước phải đảm bảo cho người dân. Bây giờ phải cách chế độ tiền lương đối với ngành y, nhất là y tế cơ sở, cán bộ y tế công tác tại vùng sâu vùng xa. Lương của họ phải đủ sống và một phần lo cho gia đình thì họ mới yên tâm công tác…” – ĐB Dung nói.