ĐBQH: Các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, từ thực tiễn cho thấy các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, từ sớm, từ xa, nhằm hạn chế mức thấp nhất hậu quả đối với xã hội và mỗi người dân.

Quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày 20/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nêu ý kiến về thảo luận tại tổ, dự án luật Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, từ thực tiễn cho thấy các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở, cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, từ sớm, từ xa, nhằm hạn chế mức thấp nhất hậu quả đối với xã hội và mỗi người dân. Kể từ khi triển khai lực lượng công an chính quy đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh trật tự.

Tuy nhiên, lực lượng công an chính quy hạn chế về số lượng. Một số địa bàn ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, địa bàn rộng, do đó khó có thể triển khai lực lượng này đến tận thôn, bản, tổ dân phố.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Xuất phát từ thực tế này, đại biểu cho rằng, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết. Ở đây được hiểu là lực lượng ở các thôn, bản, hiểu rõ văn hóa, phong tục, tập quán của khu vực sở tại và nắm vững tình hình ở cơ sở. Chính vì vậy, việc xây dựng và dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết, với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan quy định tại Điều 1 dự thảo Luật. Đối với độ tuổi của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, có đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, lý lịch, trình độ văn hóa, tự nguyện có đơn đề nghị tham gia thì được xem xét, tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định giới hạn độ tuổi đối với cả nam và nữ là không quá 65 tuổi, quy định tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật, với lý do: các đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm gây rối an ninh trật tự ngày càng manh động, nguy hiểm.

Điều 2 dự thảo Luật Quy định vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng: lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng, tự nguyện của nhân dân, được tuyển chọn tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn và là lực lượng có chức năng tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an chính quy, chính quyền địa phương và nhân dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc; tổ dân phố, khu phố…

Phiên thảo luận tại tổ về dự án luật Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Phiên thảo luận tại tổ về dự án luật Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể các nội dung cụ thể: nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần luật hóa tại các điều, khoản cụ thể; nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ quy định chi tiết; nội dung nào thuộc thẩm quyền của địa phương thì đề nghị dẫn chiếu theo luật Tổ Chức chính quyền địa phương.

Cơ quan soạn thảo quy định cần cân nhắc quy định bố trí số lượng cụ thể đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ở mỗi tổ tại khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt, khu vực nhạy cảm về an ninh chính trị… nhằm phù hợp với vị trí địa lý, quy mô dân số; đồng thời, có chế tài xử lý khi lực lượng này vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

Cân nhắc việc tuyển chọn hay tổ chức bầu tổ viên

Thảo luận về tiêu chuẩn tuyển chọn hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữa việc tuyển chọn hay tổ chức bầu tổ viên, nếu đã tuyển chọn thì không bầu tổ viên, nếu đã bầu tổ viên thì nên bỏ từ tuyển chọn. Đại biểu nêu quan điểm, cần quy định theo hướng bầu tổ viên để phát huy tính dân chủ, bởi lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng, tự nguyện, tự quản, nếu được bầu thì sẽ dành được sự tín nhiệm của nhân dân.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật nên bổ sung thêm 1 điều tại Chương I quy định về việc bầu tổ viên tham gia lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, không nên quy định tại thông tư, đồng thời giao trách nhiệm việc bầu tổ viên này cho Ủy ban nhân dân xã bố trí kinh phí, quyết định về thời gian bầu, thành viên tổ kiểm phiếu, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bầu tổ viên.

Cùng với đó, về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu bày tỏ nhất trí với nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự chỉ huy, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Công an.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dbqh-cac-vu-viec-lien-quan-den-an-ninh-trat-tu-xay-ra-o-co-so-can-duoc-phat-hien-ngan-chan-xu-ly-kip-thoi-20230620155211275.htm