ĐBQH: Cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế
Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút 'tạm dừng,' mà nguyên nhân do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, có nhiều lỗ hổng dẫn tới những khó khăn cho bệnh viện trong triển khai.
“Xã hội hóa y tế hiện nay gần như đã tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gần như đã đóng băng, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng ngày càng nâng cao,” đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại hội trường.
Thiếu hành lang pháp lý
Nêu ý kiến về vấn đề xã hội hóa, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị trong bệnh viện, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách cho y tế.
Tuy vậy, đại biểu Thủy cho rằng quá trình triển khai thời gian qua phát sinh những bất cập. Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao và quá mức cần thiết với máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế, mất cân đối trong huy động nguồn lực.
Cũng theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, qua theo dõi các vụ án trong lĩnh vực y tế, việc thổi giá không chỉ phát hiện trong dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn trong triển khai đề án xã hội hóa liên doanh liên kết tại bệnh viện công lập.
Nữ đại biểu dẫn chứng lại vụ việc Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng cho đối tác đặt robot hỗ trợ kỹ thuật, với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng, làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.
Nguyên nhân được cho là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn tới nhiều khó khăn cho bệnh viện trong triển khai, vừa gây rủi ro cho bệnh viện và đơn vị tư nhân tham gia vừa dễ lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích, gây ra nhiều thiệt hại.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng chỉ có điều 90 trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về xã hội hóa, nhưng chỉ mang tính chủ trương mà chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong khi đó, những khó khăn vướng mắc xã hội hóa liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể vốn kéo dài trong nhiều năm thì nay càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh xảy ra các vụ án nghiêm trọng về y tế.
"Tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng. Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành gần như đang 'đóng băng' không dám triển khai. Trong khi đó, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng nâng cao. Các nhà quản lý, các bệnh viện đang trông chờ vào những sửa đổi, bổ sung thật cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh," đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực tế và kiến nghị.
Từ những ý kiến trên, đại biểu Thủy kiến nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên danh liên kết ở vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Cũng liên quan tới vấn đề hợp tác, liên doanh, liên kết trong các cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) cho rằng quy định chung chung như vậy sẽ rất khó và gây lúng túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết. Thực tế thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước bao gồm các hoạt động xã hội hóa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Cần có cơ chế kiểm soát giá
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang)quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu cho hay chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.
Theo đại biểu, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Đại biểu Cầm nêu rõ đối với khối tư nhân, luật cần có quy định về cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh.
“Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Khi đó, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua,” đại biểu Cầm nhấn mạnh./.