ĐBQH: cần tăng mức lương hưu và trợ cấp BHXH bằng mức tăng lương cơ sở

Chiều 25/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, bài bản

Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế; liên quan trực tiếp đối với gần chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đồng thời, chính sách này cũng tác động trực tiếp tới khoảng trên 5-10 triệu đối tượng thực hiện các chính sách xã hội hiện nay, gắn với mức lương cơ sở; tác động trực tiếp khoảng gần 15 nghìn lao động trong doanh nghiệp (Nhà nước và tư nhân). Do đó, khi triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Kết luận 64 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bài bản, khoa học. Đặc biệt, đánh giá rất nhiều chiều tác động liên quan khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo đúng nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, khi đi sâu vào việc thực hiện nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương có nhiều khó khăn, bất cập, trong đó khó khăn, bất cập lớn nhất chính là việc thiết kế các bảng lương gồm 5 bảng lương: về chức vụ chức danh lãnh đạo; cán bộ công chức viên chức; 3 bảng lương của lực lượng vũ trang cũng như cơ cấu lại các phụ cấp.

Việc thiết kế cụ thể từng bảng lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW phát sinh bất cập lớn, nhất là tương quan của tất cả các đối tượng không bảo đảm được sự công bằng, hợp lý, hài hòa. Có đối tượng thì được tăng cao trên 30%, đối tượng thì tăng dưới 5%-7%-15% nhưng rất nhiều đối tượng tăng thấp hơn so với lương hiện hưởng. Đặc biệt, bảng lương đối với chức vụ và chức danh lãnh đạo.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra bất cập trong xây dựng vị trí việc làm. Mặc dù đã triển khai từ năm 2012 nhưng cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Vừa qua, cả hệ thống chính trị đều rất nước rút để hoàn thiện và phê duyệt xong đề án vị trí việc làm nhưng nhìn chung chưa bảo đảm yêu cầu, chất lượng.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An)

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An)

Việc đưa các chức danh, chức vụ lãnh đạo vào cùng một nhóm dễ dẫn đến tâm tư

Cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, khi chưa đủ điều kiện bãi bỏ lương cơ sở và hệ số tiền lương để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW thì chúng ta thực hiện tăng mức lương tối thiểu. Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến mức tăng lương cơ sở là 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhưng chỉ tăng 15% đối với các đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH.

Qua nghiên cứu, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nhận thấy, báo cáo của Chính phủ chưa giải thích rõ vì sao đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội lại tăng thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Do đó, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ nội dung này vì đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp BHXH là đối tượng yếu thế hơn. Đồng thời đề nghị cần tăng mức lương hưu và trợ cấp BHXH bằng với mức tăng lương cơ sở.

Còn đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc vận dụng các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương để đưa vào cùng một hệ số tính lương là rất khó. Vì theo báo cáo của Chính phủ, hiện có 234 chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, phụ cấp theo các chức danh, chức vụ lãnh đạo này còn nhiều hơn nữa như phụ cấp công vụ, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên nghề… Nếu không thận trọng thì việc đưa các chức danh, chức vụ lãnh đạo vào cùng một nhóm sẽ dẫn đến tâm tư, thiếu công bằng giữa các chức vụ, chức vụ trong hệ thống chính trị.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 3

Quang cảnh phiên thảo luận tổ 3

Đại biểu đề nghị cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng quan tất cả các thành phần, đối tượng được hưởng lương liên quan đến nội dung này sau khi ban hành lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi hiện nay chưa ban hành được hệ thống danh mục vị trí, việc làm trong hệ thống chính trị, đây là nội dung rất khó.

Với hai nội dung lớn này có liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện lương mới, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần xem xét thận trọng và có lộ trình để đảm bảo công bằng và hợp lý giữa các bảng lương và các đối tượng hưởng lương.

“Thời điểm này, chúng ta điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng là việc làm rất hợp lý, hợp tình trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận. Tôi cũng đồng tình rất cao nội dung này và thống nhất đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần quan tâm thêm việc sắp xếp lại hệ thống thang bảng lương cũ và các phụ cấp kèm theo, từ đó tính tổng thu nhập của mỗi chức vụ trong hệ thống như nào thì lúc đó chúng ta mới có thể tính được”, đại biểu phân tích.

Cơ bản đồng tình với nội dung trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên mức 2,340 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương. Điều này, góp phần rất lớn trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dbqh-can-tang-muc-luong-huu-va-tro-cap-bhxh-bang-muc-tang-luong-co-so.html