ĐBQH chất vấn các vấn đề trong lĩnh vực báo chí và hạ tầng viễn thông

Sau 2 ngày làm việc (11 - 12/11), Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn

Trong phiên buổi sáng ngày 12/11, các ĐBQH tập trung chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, do đó, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10 - 20% năm 2018 lên trên 95% đến hiện tại, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng; đồng thời, gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời, hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm.

Đặc biệt, nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài; đồng thời, tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hiện nay còn tồn tại khoảng 800 trạm phát sóng đang gặp khó khăn vì bị người dân phản đối do ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định, hiện chưa có bằng chứng việc các trạm phát sóng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính quyền các cấp cũng chưa thực sự coi hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu như là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện. Một trong những lí do hiện nay là Nhà nước không đầu tư hạ tầng viễn thông mà do doanh nghiệp đầu tư. Do đó, chính quyền các cấp ít quan tâm và chưa vào cuộc, giúp đỡ các nhà mạng.

Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên là tuyên truyền để cho người dân hiểu về tầm quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đối với đời sống của xã hội, và không ảnh hưởng đến sức khỏe để bà con ủng hộ phát triển các trạm phát sóng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho người dân.

Luật Viễn thông mới cũng đã quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chính quyền các cấp xử lý các hành vi vi phạm việc xây dựng hạ tầng viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các nhà mạng sử dụng những công nghệ mới nhất, khi ít người dùng thì giảm công suất phát sóng.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về nâng cao chất lượng đào tạo đại học cho các phóng viên chuyên ngành báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chương trình đào tạo đại học cho phóng viên đã có từ lâu, chưa được điều chỉnh và chưa phù hợp với thời đại công nghệ số. Do đó, chương trình đào tạo này cần phải được cập nhật khung chương trình, nâng cao đào tạo công nghệ số, đồng thời tăng tỉ lệ đào tạo chuyên môn, tăng cường mời các nhà báo kinh nghiệm giảng dạy. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khung chương trình này, dự kiến chương trình này sẽ được ban hành trong năm nay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Định Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về nâng cao chất lượng phóng viên trong thời đại số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, công cụ cơ bản của phóng viên hiện nay là công nghệ số, kĩ năng số, tư duy số, văn hóa số; phóng viên phải tự trau dồi vì môi trường số thay đổi rất nhanh.

Về đào tạo kĩ năng số chuyên sâu cho phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, đây là vấn đề của cơ quan báo chí, phải đầu tư thì mới duy trì được tính cạnh tranh trên không gian số. Khi nâng ngạch phóng viên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa nội dung chứng chỉ về kỹ năng số, đây là điều kiện bắt buộc thi đối với phóng viên để làm việc, các cơ quan báo chí chủ quản có thể hỗ trợ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có 880 cơ quan báo chí nhưng trong bối cảnh thị phần quảng cáo ngày càng bị thu hẹp bởi sự xâm lấn của các nền tảng mạng xã hội. Điều này khiến nhiều cơ quan báo chí không đảm bảo kinh phí để hoạt động.

Mặt khác, hiện nay, người dân xem truyền hình bằng app là thứ phi biên giới theo yêu cầu và bất kể thời gian nên khoảng cách địa lý đã không còn là trở ngại. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Đông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có đề xuất với Chính phủ để mạnh dạn sắp xếp, tinh giản những cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, hoạt động không hiệu quả, vi phạm pháp luật?

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng đặt câu hỏi chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng đặt câu hỏi chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông

Tham gia chất vấn, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp để phát triển đầu tư vào hạ tầng số mới, ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hạ tầng số?

Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời: Hiện nay, về mặt thể chế, thực thi, chúng ta hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng số, các mạng xã hội, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam. Nếu họ không tuân thủ, chúng ta có đủ điều kiện, kỹ thuật, hạ tầng để ngăn chặn, khiến các nền tảng này ngừng hoạt động. Một may mắn lớn là ở nước ta, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đều thuộc các doanh nghiệp Việt Nam, nên chúng ta có đủ năng lực để quản lý và xử lý các vấn đề trên không gian mạng.

Đối với vấn đề liên quan đến cáp viễn thông, Bộ trưởng cho biết, viễn thông Việt Nam phát triển nhanh đến ngày hôm nay một phần là do các nhà mạng phát triển nhanh, chưa đầu tư để ngầm hóa cáp viễn thông. Hiện nay, khi sóng viễn thông đã phổ cập, chất lượng dịch vụ chấp nhận được, các doanh nghiệp đã có lợi nhuận, qua giai đoạn tăng trưởng, thì cần tập trung vào nâng cao chất lượng mạng lưới, thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu các nhà mạng thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông, hoặc đảm bảo mỹ quan, an toàn đối với cáp viễn thông. Đặc biệt, việc dùng chung cơ sở hạ tầng cần được thực hiện để giảm việc ngầm hóa. Đây là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã phân cấp cho các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện đề xuất UBND cấp tỉnh ban hành các kế hoạch, các yêu cầu để các nhà mạng thực hiện. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình, thời gian để đầu tư, thi công. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo sát sao việc ngầm hóa cáp viễn thông.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH

Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt. Để công nghệ thông tin phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến 5 trụ cột cốt lõi: Hạ tầng về công nghệ thông tin; dữ liệu lớn; bảo mật công nghệ thông tin, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin như AI, internet vạn vật, điện toán đám mây…

Về nhóm vấn đề báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập.

Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại. Định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao. Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời. Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn.

Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên chất vấn

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực. Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế như: Còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số. Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí.

Tiếp tục kiên cố hóa hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã. Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Qua phiên chất vấn tại kỳ họp cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các ĐBQH quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Các ĐBQH qua thực tiễn hoạt động đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu vấn đề, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, với những câu hỏi cụ thể.

Các ĐBQH đã thẳng thắn nêu nhiều vấn đề như vậy với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

NGUYỆT THU (tổng hợp)

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202411/dbqh-chat-van-cac-van-de-trong-linh-vuc-bao-chi-va-ha-tang-vien-thong-f142bf9/