ĐBQH chất vấn học trực tuyến lâu dài có đảm bảo hiệu quả, công bằng?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, ngành giáo dục đang hoàn thiện chiến lược giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định chọn chuyển đổi số, tăng cường hạ tầng là khâu mang tính đột phá.

Ngày 11/11, phiên chất vấn tại Quốc hội chuyển sang nhóm vấn đề thứ ba về đảm bảo chất lượng dạy và học tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo đó, các ĐBQH có nhiều chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn về công tác dạy và học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi: “Dự báo trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp lâu dài. Vậy, theo Bộ trưởng, Bộ có định hướng gì để đảm bảo chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, giáo viên về lâu dài?”

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đảm bảo chất lượng cho dạy học trực tuyến là chủ đề quan trọng trong phiên chất vấn hôm nay. Bộ trưởng nêu cụ thể, hiện nay, cả nước trong 713 quận, huyện, thị trực thuộc trung ương, tính cho đến sáng 11/11, có 350 quận huyện, thị đang dạy học trực tuyến và học truyền hình, còn lại 316 đơn vị đang học trực tiếp.

“Như vậy, có 3 nhóm, nhóm vẫn đang học trực tiếp bình thường thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh trung du và miền Trung. Nhóm này giải pháp tăng cường chất lượng theo như bình thường. Một nhóm đang chuẩn bị và đang đưa học sinh quay trở lại trường học thì cần một nhóm giải pháp khác. Ba là khả năng có những nhóm sẽ tiếp tục học trực tuyến thêm một thời gian nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) đã giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về những vấn đề lớn và giải pháp chiến lược để học tập trong thời gian sắp tới.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, ngành sẽ có nghiên cứu, khảo sát sâu về chuyên môn, có điều chỉnh trong tương lai. Trong “nguy” có “cơ”, ngành giáo dục chuyển trạng thái nền giáo dục từ bình thường sang ứng phó với dịch, từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Một trong những điều quan trọng là cơ hội đổi mới và thay đổi thói quen cũ, kỹ năng và nhận thức cũ.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang hoàn thiện chiến lược giáo dục đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, bộ xác định một số hướng quan trọng, chọn chuyển đổi số, tăng cường hạ tầng là khâu mang tính đột phá.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tham gia trả lời chất vấn về hạ tầng học trực tuyến, về mạng viễn thông… Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mạng di dộng có 2.000 điểm lõm sóng và trong 2 tháng vừa qua đã phủ sóng được 1.000 điểm. 1.000 điểm còn lại sẽ cố gắng phủ sóng trong năm 2021 và chậm nhất là đến tháng 1/2022.

Về mạng cố định - đưa cáp quang về các hộ gia đình, hiện nay, có khoảng 8 triệu hộ gia đình chưa có cáp quang. Nếu đưa cáp quang về các hộ gia đình để sử dụng wifi thì tốc độ mạng sẽ tốt hơn rất nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp, chậm nhất trước 2025, cơ bản các gia đình Việt Nam sẽ có cáp quang.

Về chương trình “Sóng và máy tính cho em”- đây là chương trình xã hội do Thủ tướng Chính phủ phát động để hỗ trợ học sinh, gồm 1 triệu máy tính bảng cho học sinh, với giá trị 2.500 tỷ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, đã giao được trên 100.000 máy đến các em học sinh. Tuy nhiên, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên việc mua máy tính sẽ gặp khó khăn. Nhưng từ tháng 12/2021, số máy về sẽ nhiều và nhanh.

Việc phủ sóng 2.000 điểm, với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng và miễn giảm cước học trực tuyến cho một số đối tượng đến hết năm 2021, với giá trị 500 tỷ đồng.

“Về phát triển các nền tảng học trực tuyến của các doanh nghiệp công nghệ số, hiện có 6 nền tảng “make in Việt Nam”. Đây không chỉ là nền tảng truyền hình mà còn là nền tảng học liệu, nội dung, bài giảng mẫu, bài giảng hay, công cụ soạn bài giảng cho giáo viên, cũng như nền tảng tự học của học sinh, đồng thời quản lý học sinh học và thi. Các nền tảng này đang được các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp miễn phí trong giai đoạn COVID-19 và hiện có khoảng 10 triệu học sinh đang sử dụng”, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ GD-ĐT và Bộ TT&TT đang phối hợp soạn thảo bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cho các nền tảng này và sẽ tổ chức đánh giá, công bố các nền tảng đạt chuẩn. Để đảm bảo an toàn thông tin các thiết bị đầu cuối và các nền tảng đào tạo trực tuyến, Bộ TT&TT đã chỉ đạo phát triển phần mềm để cài vào các máy tính, điện thoại thông minh. Theo đó, các phụ huynh có thể kiểm tra con em khi truy cập các trang web.

“Chương trình chuyển đổi số quốc gia có ưu tiên cao cho chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong công cuộc chuyển đổi số có tính cách mạng này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói./.

Lê Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/dbqh-chat-van-hoc-truc-tuyen-lau-dai-co-dam-bao-hieu-qua-cong-bang-904386.vov