ĐBQH chất vấn về hỗ trợ nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao…
Chiều 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đăng đàn trả lời chất vấn về những nội dung: công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Giáo dục & Đào tạo; Lao động, Thương binh & Xã hội; Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tổ chức bộ máy cần phải được tinh gọn
Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tiếp cận, chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa, thể thao và du lịch sang quản lý Nhà nước về lĩnh vực này thì ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và có những mặt hạn chế trong công tác này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Toàn ngành cũng ý thức một cách đầy đủ là chúng ta phải nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm hơn nữa và quyết liệt hơn nữa để tập trung thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao phó và phải xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng, nhiệm vụ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; giữa mục tiêu về phía trước và hướng tới cần phải tổ chức thực hiện với nguồn lực cân đối hiện nay trong điều kiện còn hạn hẹp; đặt vấn đề phát huy nguồn lực chất lượng cao của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh phải tinh giảm, cắt gọn biên chế và tổ chức bộ máy cần phải được tinh gọn. Chính vì vậy mà có những khó khăn cần phải được chia sẻ, tháo gỡ.
Giải pháp về việc làm cho vận động viên sau khi giải nghệ
Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho biết, đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 5, Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, cần bảo đảm việc học tập văn hóa, chính trị cho vận động viên, ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho vận động viên thành công. Do đó, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ?
Trả lời chất vấn đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, đúng như đại biểu chia sẻ, để giải quyết việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao cũng còn nhiều khó khăn.
Không phải tất cả các vận động viên đều được trở về các cơ quan để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Vì vậy, giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau.
“Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao” - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thông tin.
Giải pháp đảm bảo công bằng, minh bạch trong thể thao thành tích cao
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho hay, thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả.
Điều này kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên?
Liên quan đến tiêu cực trong thể thao thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề nhức nhối của ngành, cụ thể là vấn đề bữa ăn của vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn không được đảm bảo và vụ việc ở đội tuyển thể dục dụng cụ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý, thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định. Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.