ĐBQH: Chuẩn bị đầu tư vẫn là khâu yếu, dẫn đến việc vốn chờ dự án
Đại biểu Triệu Quang Huy cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Gỡ vướng về quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Trong phát biểu của mình, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) nêu một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, trong đó có những vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công và một số luật liên quan.
Về kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, đại biểu Triệu Quang Huy cho rằng, kế hoạch đầu tư công năm 2003 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nền kinh tế nước ta chịu tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế bất cập tồn tại kéo dài nhiều năm.
Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện có hiệu quả, có hiệu lực trong năm 2023 bao gồm cả triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có vai trò ý nghĩa rất quan trọng. Chính phủ đã có nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện tăng cường giải ngân vốn đầu tư và đạt được một số kết quả tích cực.
Tỷ lệ giải ngân muốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước về số tuyệt đối cao hơn so với năm trước nhưng chưa đạt như yêu cầu; cần tiếp tục chấn chỉnh, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Qua giám sát thực tế, đại biểu Triệu Quang Huy cũng nêu một số vương mắc cụ thể, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm và thiếu chủ động, vẫn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...
Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ODA chuyển tiếp, một số nội dung chưa được quy định chi tiết tại Luật Đầu tư công và các văn bản quy định hiện hành, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình rà soát thực hiện các thủ tục đầu tư đối với dự án ODA.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng; công tác tổng hợp thẩm định, giao kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ ngành Trung ương có lúc chưa kịp thời....
Giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc
Theo đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Nghệ An) đánh giá cao sự quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, nỗ lực lớn của các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo vào công tác xây dựng kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, do đó, cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.
Giải ngân đầu tư công là trọng tâm
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, xác định giải ngân đầu tư công là công tác trọng tâm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào công tác giải ngân vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dự án.
Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề, 3 Chỉ thị và nhiều công điện, văn bản chỉ đạo về tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức các hội nghị với các địa phương để đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công, thành lập các tổ công tác để thúc đẩy, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn khi tình hình quốc tế, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố tác động dẫn tới giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khiến các địa phương gặp lúng túng trong triển khai các dự án.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa đất rừng theo đúng Kế hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để thu gọn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.