ĐBQH Đắk Nông: Cần khái niệm bao quát hơn về vũ khí thô sơ

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, khái niệm bao quát vũ khí thô sơ là phương tiện, công cụ dùng trong cuộc sống hàng ngày nhưng sử dụng vào mục đích xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 3/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia phiên thảo luận tập trung sáng 3/6 (Ảnh: Lệ Quyên)

Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia phiên thảo luận tập trung sáng 3/6 (Ảnh: Lệ Quyên)

Góp ý cụ thể vào nội dung một số điều khoản, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật giải thích từ ngữ về “vũ khí thô sơ”, trong đó đưa những phương tiện, công cụ mà Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích) của Bộ luật Hình sự gọi là “hung khí nguy hiểm” vào trong khái niệm “vũ khí thô sơ”. Việc này tác động rất lớn, có thể gây nhiều thay đổi trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến phải hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung một số Luật, Bộ luật, văn bản dưới luật.

Bởi vì, việc xác định vũ khí thô sơ còn nhiều bất cập vì đang đi theo hướng liệt kê như: xác định những loại công cụ lưỡng dụng phục vụ cả trong lao động, sản xuất, sinh hoạt như dao có chiều dài lưỡi từ 20cm trở lên nhưng dự thảo Luật bỏ qua các vật dụng cũng thường xuyên trở thành vũ khí tự nhiên như rựa, dao thái lan (có chiều dài lưỡi dưới 20cm), chày, cuốc, thuổng, đục, cưa,… khi các đối tượng có xung đột.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, nếu hướng giải thích khái niệm bằng phương thức liệt kê thì cần liệt kê đầy đủ hơn nữa, ít nhất là những loại vũ khí phổ thông, thường thấy (Ảnh: Lệ Quyên)

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, nếu hướng giải thích khái niệm bằng phương thức liệt kê thì cần liệt kê đầy đủ hơn nữa, ít nhất là những loại vũ khí phổ thông, thường thấy (Ảnh: Lệ Quyên)

Xác định những loại vũ khí hiện nay giới trẻ hay sưu tầm, độ chế, sử dụng như kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu … nhưng bỏ qua côn nhị khúc, gậy…

Nếu hướng giải thích khái niệm bằng phương thức liệt kê thì cần liệt kê đầy đủ hơn nữa, ít nhất là những loại vũ khí phổ thông, thường thấy. Đồng thời, khái niệm về vũ khí thô sơ có ảnh hưởng đến quyền phòng bị chính đáng của người dân trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày hay không? Có vấp phải sự phản ứng kể cả của người dân và kể cả đối với công tác quản lý khi áp dụng vào thực tiễn thi hành không? Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc lại theo hướng khái niệm bao quát vũ khí thô sơ là phương tiện, công cụ dùng trong cuộc sống hàng ngày nhưng sử dụng vào mục đích xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác (tức là trở thành vũ khí theo ý chí của đối tượng vi phạm pháp luật) để không bỏ lọt việc liệt kê vũ khí, dễ dàng quản lý và phân loại vũ khí khi luật áp dụng vào thực tiễn, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Tại Khoản 8, 9, 10, 11, Điều 5, đối chiếu trên thực tế và cả những hành vi liệt kê ở trên thì đa phần xuất phát từ hành vi 2 bên đối tượng là: người mua - người bán, trao đổi, mượn – cho mượn. Do đó, ngoài việc cấm hành vi “cầm cố cần bổ sung thêm hành vi “nhận cầm cố”, bên cạnh việc cấm hành vi “cho, tặng, viện trợ, gửi” thì cần bổ sung thêm hành vi “nhận cho, nhận tặng, nhận viện trợ, nhận gửi” để có chế tài bao quát hết các đối tượng có hành vi vi phạm, tăng tính phòng, ngừa, răn đe tội phạm.

Khoản 4, Điều 41 quy định về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép dịch vụ nổ mìn”. Đề nghị xem xét chuyển đổi thành “Thủ tục cấp Giấy phép dịch vụ nổ mìn”… Để quy định này trở thành một quy trình hành chính cụ thể, rõ ràng và thống nhất như Điều 40 (Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp). Đồng thời, đưa các Khoản 5, 6, 7, 8 hợp nhất vào Khoản 4 tạo thành trình tự, thủ tục cấp giấy phép thống nhất, hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị xem xét lại nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn bao gồm “văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh” tại điểm b khoản 4 Điều 41 dự thảo Luật. Bởi vì đối tượng được cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nên cơ quan hành chính không thể thay thế cho đơn vị trình văn bản đề nghị mà cơ quan hành chính Nhà nước chỉ nên giữ đúng chức năng là cơ quan quản lý, thẩm định hồ sơ. Sở Công thương là cơ quan tham mưu của ủy ban nhân dân tỉnh, là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn nên nếu ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn thì xét về khía cạnh nào đó không đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Đức Diệu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dbqh-dak-nong-can-khai-niem-bao-quat-hon-ve-vu-khi-tho-so-214856.html