ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC: KỲ VỌNG CÁC DỰ ÁN LUẬT SẼ ĐƯỢC TIẾP THU TỐI ĐA, CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG TRƯỚC KHI TRÌNH TẠI KỲ HỌP THỨ 6

Thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, các ĐBQH kỳ vọng, nhiều ý kiến còn đang nhận được những ý kiến khác nhau sẽ được tiếp thu tối đa, phân tích, đánh giá để có các dự thảo luật tốt nhất trình Quốc hội đóng góp tại kỳ họp thứ 6 tới.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV.

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV.

Từ ngày 28-30/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Thông qua Hội nghị này, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật sẽ tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng những ý kiến đóng góp còn có quan điểm khác nhau để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới.

Xung quanh nội dung trên, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Phóng viên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để chuẩn bị kỹ lưỡng trước kỳ họp thứ 6. Đại biểu đánh giá như thế nào về việc tổ chức Hội nghị này?

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp thứ 6 là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, xuất phát từ yêu cầu công tác xây dựng luật trong hoạt động của Quốc hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng và cũng là sự đổi mới trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với các kỳ họp Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng các dự thảo luật, các ĐBQH chuyên trách được coi là lực lượng nòng cốt, quan trọng đóng góp những ý kiến, đề xuất các nội dung. Có thể khẳng định, đây là một bước để chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc đóng góp ý kiến, phân tích, bàn định vào các nội dung trong các dự thảo luật sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 6, đặc biệt là những nội dung còn ý kiến khác nhau.

Thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng sẽ có những tổng hợp, đánh giá để chuẩn bị một cách tối ưu về hiệu quả cho những dự thảo luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng đã thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao của các ĐBQH khi đóng góp ý kiến vào các nội dung được chuẩn bị cho kỳ họp. Ngoài ra, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự linh hoạt và đặc biệt là sự chuẩn bị từ sớm, từ xa cho kỳ họp vào những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo đã được các ĐBQH đóng góp.

Tuy nhiên, qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, chúng tôi cũng có băn khoăn là vẫn còn tồn tại hạn chế như việc cung cấp tài liệu dự thảo luật để chuẩn bị cho Hội nghị còn chậm. Do đó, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự thảo luật cần lưu ý nhanh chóng khắc phục tồn tại này.

Phóng viên:Đại biểu có ý kiến, đề xuất như thế nào sau khi Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách kết thúc?

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Sau Hội nghị ĐBQH chuyên trách, cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án luật sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ĐBQH và tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện các dự thảo luật đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6.

Một trong ba nhiệm vụ chủ chốt của kỳ họp là công tác xây dựng luật. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với các kỳ họp. Cho nên việc chuẩn bị một bước từ sớm, từ xa và chủ động như này sẽ có hiệu ứng hết sức tích cực, hỗ trợ cho ĐBQH chuyên trách có cơ hội tiếp xúc trước với các dự thảo luật. Ngoài ra, thông qua Hội nghị này, tôi và các ĐBQH cũng sẽ tiếp tục về địa phương tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo luật một cách kỹ lưỡng hơn trước tổ chức kỳ họp thứ 6.

Phóng viên: Để các dự thảo luật đảm bảo chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6, đại biểu có thể cho biết quan điểm về công tác soạn thảo, chuẩn bị các luật?

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Tôi kỳ vọng sau Hội nghị ĐBQH chuyên trách, nhiều ý kiến còn đang nhận được những ý kiến khác nhau sẽ được tiếp thu tối đa, phân tích, đánh giá để có các dự thảo luật tốt nhất trình Quốc hội đóng góp tại kỳ họp thứ 6. Còn những nội dung được các ĐBQH quan tâm đóng góp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá tác động. Những ưu điểm, hạn chế trong từng dự án luật cũng sẽ được đưa ra bàn thảo và đánh giá kỹ lưỡng. Việc chuẩn bị này có ý nghĩa quan trọng trong việc chuẩn bị cho các dự án luật.

Các ĐBQH chuyên trách nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị.

Các ĐBQH chuyên trách nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị.

Ngoài ra, sau Hội nghị ĐBQH chuyên trách, các Ủy ban chủ trì việc xây dựng các dự án luật sẽ tiếp tục bàn thảo, tiếp thu, giải trình những ý kiến, đề xuất được các ĐBQH đưa ra. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị một dự án luật tốt nhất nhằm hỗ trợ cho các ĐBQH có cơ sở để tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tới. Đặc biệt, nhiều nội dung có trong các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) hoặc Luật Nhà ở (sửa đổi) được cử tri và Nhân dân đang quan tâm cũng sẽ được quyết định. Ví dụ như dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều vấn đề liên quan đến các giao dịch trên thị trường bất động sản cũng sẽ được các ĐBQH quan tâm đóng góp ý kiến để giúp cho môi trường kinh doanh bất động sản hoạt động hiệu quả hơn và giúp cho các hoạt động mua bán đất đai cũng như nhà ở trên thị trường bất động sản minh bạch hơn.

Tôi cũng hy vọng rằng, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ra đời sẽ giải quyết căn cơ được những vấn đề đang vướng mắc cũng như thị trường bất động sản hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng góp phần vào việc giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc hiện nay, giúp cho thị trường bất động sản cũng như thị trường nhà ở đi vào một quỹ đạo mới. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển và là bệ đỡ để giúp cho kinh tế của đất nước trong những tháng cuối năm 2023 sẽ tốt hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=79415