ĐBQH ĐÀNG THỊ MỸ HƯƠNG: PHÂN CẤP MẠNH CHO ĐỊA PHƯƠNG KÈM THEO CƠ CHẾ KIỂM SOÁT TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là rất cần thiết. Trong đó, chú trọng phân cấp mạnh cho địa phương kèm theo cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm

Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm

Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ trình Quốc hội gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 08 cơ chế đặc thù, bao gồm: Cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; Cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; Ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; Cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan;…

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất: cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 sáng 16/01

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10 sáng 16/01

Tại phiên thảo luận Tổ 10, sáng 16/01, nhất trí sự cần thiết ban hành, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc đồng thời thống nhất nhiều nội dung cơ bản tại Báo cáo. Cho rằng nhiều bất cập đã được chỉ ra từ chuyên đề giám sát của Quốc hội, đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết cần rõ các cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu nêu rõ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội phân cấp mạnh về cho địa phương là rất phù hợp. Thực tế, qua giám sát cho thấy, điểm vướng nhất là địa phương không chủ động tổ chức thực hiện được, nếu có bất kỳ thay đổi nội dung gì trong quá trình triển khai đều phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Do đó, quá trình thực hiện xảy ra vướng mắc và mất rất nhiều thời gian về mặt thủ tục. Vì vậy, việc phân cấp mạnh cho địa phương là cần thiết nhằm giúp cho địa phương có thể chủ động và linh hoạt trong việc triển khai, thực hiện.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đối với các phương án được đưa ra liên quan đến quy định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương bày tỏ đồng tình với phương án 1. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, để phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn về công tác theo dõi và giám sát để khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo hiệu quả khi đưa vào sử dụng. “Ở các huyện thiếu về nguồn lực và năng lực thực hiện cho nên rất cần các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh phải có sự giám sát, phát hiện kịp thời, tháo gỡ trong quá trình thực hiện,…”, đại biểu nêu rõ.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 7 dự thảo nghị quyết có quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho các huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho rằng, phương án hai là phù hợp. Theo phương án này, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn được quyết định chọn một huyện để thực hiện thí điểm cơ chế chính sách. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các huyện được lựa chọn thí điểm.

Lý giải nội dung này, đại biểu cho rằng, các tỉnh nắm được cụ thể là huyện nào đủ năng lực để thực hiện. Việc chọn một huyện không đơn giản chỉ là cảm tính mà đều có là sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, cần một tập thể để quyết định. Bên cạnh đó, nội dung tại điểm b của phương án này cũng rất hợp lý; giao phân cấp mạnh cho huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ đầu tư công. “Nên phân cấp triệt để về cho các tỉnh và cấp huyện để tạo sự chủ động và linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thì việc nào cũng vậy, nếu có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát thì chắc chắn các khó khăn, vướng mắc sẽ được tháo gỡ…”, đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương nhấn mạnh.

Theo Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 18/1 tới đây./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84099