ĐBQH đề nghị cần cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế
Đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% mà sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá.
Chiều 24/6, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đề nghị cần cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế.
Đánh giá cao ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định công phu, theo lộ trình cải cách thuế quốc gia, tuy nhiên đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế như dự thảo luật.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024); tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, thì tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt.
Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, như vậy các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện.
Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá, mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào; hơn nữa, từ nay đến cuối năm 2025, chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.