ĐBQH đề nghị hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ các trường đại học tự chủ
Chính phủ và các bộ ngành cần rà soát, hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ các trường đại học tự chủ.
GS.TS Nguyễn Thị Lan – đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến khi phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội. Theo đại biểu, một trong những nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm là liên quan đến giáo dục đại học.
Theo đó, cử tri chủ yếu là các cán bộ nhà khoa học, giảng viên trong khối các trường đại học đề nghị, Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.
“Trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, vấn đề giáo dục, giáo dục đại học và nguồn nhân lực đã được nhiều đại biểu phát biểu. Điều này nhắc nhở chúng ta cần dành sự quan tâm thích đáng, thiết thực và hiệu quả tới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng”- đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng công cuộc chuyển đổi số, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao và vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tỉ lệ đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Thống kê cho thấy, chi tiêu giáo dục đại học tính trên GDP ở nhiều quốc gia trên thế giới đều chiếm ít nhất 1% GDP. Trong khi đó, Việt Nam mới đạt 0,25%. Tỉ lệ của của Thái Lan và Indonesia gần gấp đôi, gấp ba chúng ta.
Ngoài ra, kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên và giảng viên ở các trường đại học còn ít; trong khi đó nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học.
Đại biểu đoàn TP Hà Nội viện dẫn, hiện tỷ lệ sinh viên, giảng viên được tham gia nghiên cứu khoa học trung bình còn rất khiêm tốn. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành rà soát đánh giá lại và hoàn thiện thêm khung pháp lý, các quy định, văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ.
Vừa qua Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành đã nỗ lực cố gắng tháo gỡ vướng mắc về thể chế chính sách, với kỳ vọng lớn là để các trường đại học phát triển, đóng góp về nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ đất nước.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhận thấy, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục được quan tâm và sớm tháo gỡ như: vấn đề về thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, thí điểm cho các viên chức được tham gia quản lý doanh nghiệp, công ty khoa học công nghệ, khởi nghiệp, xác định giá trị bản quyền công nghệ…
Bên cạnh đó còn là vấn đề cho các trường đại học được quyền tự quyết tham gia góp vốn bằng bản quyền công nghệ/sản phẩm khoa học công nghệ vào các doanh nghiệp để tăng thêm nguồn thu và nâng cao chất lượng cho các trường tự chủ.