ĐBQH đề xuất cho phép người từ 16 tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp

Nêu kiến nghị bổ sung 'người từ 16 tuổi trở lên' vào đối tượng tham gia góp vốn thành lập DN, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, điều này góp phần động viên chuyển hướng nghề nghiệp từ sớm và tạo ra tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, chiều nay 10/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Đề cập quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý DN, Đại biểu Phan Đức Hiếu – đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội kiến nghị bổ sung “người từ 16 tuổi trở lên” vào đối tượng tham gia góp vốn thành lập DN.

Theo ông, điều này góp phần động viên chuyển hướng nghề nghiệp ngay từ học xong cấp 2; tạo ra tinh thần kinh doanh từ rất sớm, sự phấn khởi đổi mới sáng tạo.

Đặt vấn đề có vướng mắc gì về pháp lý hay không, đại biểu Phan Đức Hiếu nói rằng “có thể có tranh cãi nhưng theo tôi không có vấn đề”. Bởi theo Luật Trẻ em thì người dưới 16 tuổi mới là trẻ em; còn theo Bộ luật Dân sự thì người đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Đại biểu Phan Đức Hiếu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Đại biểu Phan Đức Hiếu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

“Họ có ý tưởng, có tiền, có trí thức thì có thể làm. Đề nghị đưa vào sửa trong Luật Doanh nghiệp, nếu được thông qua thì không chỉ mở rộng tinh thần đổi mới sáng tạo mà còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp rất sớm, thay đổi suy nghĩ về nghề nghiệp”, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.

Cũng liên quan vấn đề trên, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) dẫn dự thảo quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp”.

Nữ đại biểu cho rằng, dự thảo đang bỏ qua đối tượng “cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập”. Thực tế nhiều cơ sở này cũng hình thành các DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép, rồi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cũng lưu ý có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.

“Nghiên cứu khoa học công nghệ không phân biệt đối tượng, từ cơ sở giáo dục đến nông dân cũng được tham gia, thì cớ sao bỏ qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập? Các đơn vị này tự chủ thì lại càng cần thiết lập DN để có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo nguồn thu thêm” – nữ đại biểu nhấn mạnh và đề nghị bổ sung vào dự thảo luật.

Còn theo Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), việc cho phép viên chức ở một số cơ sở giáo dục được giam gia quản lý, điều hành DN do cơ sở đó thành lập hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ góp phần động viên các viên chức nghiên cứu, đưa kết quả vào thực tế.

Tuy nhiên, ông Dương Khắc Mai cho rằng chỉ “cởi trói” cho viên chức cơ sở giáo dục thì vẫn bó hẹp vì thực tế tại nhiều viện nghiên cứu công lập, viên chức có thể nghiên cứu, đưa kết quả vào ứng dụng hiệu quả trong xã hội.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đắk Nông đề nghị luật cần mở rộng hơn nữa đối tượng được phép tham gia quản lý, điều hành DN nhằm đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh để đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội dẫn khoản Điều 128 dự thảo bổ sung thêm điều kiện (có nợ phải trả) với công ty cổ phẩn không phải công ty đại chúng.

Ông băn khoăn vì theo Luật Chứng khoán thì công ty cổ phần không phải công ty đại chúng chỉ được bán cổ phần cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giờ Luật Doanh nghiệp tiếp tục “khóa” thêm bằng điều kiện trên thì khả năng huy động vốn của DN, nhất là DN mới tham gia thị trường rất khó khăn; tác động không tốt tới thị trường trái phiếu riêng lẻ.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-de-xuat-cho-phep-nguoi-tu-16-tuoi-gop-von-thanh-lap-doanh-nghiep-post1198442.vov