ĐBQH ĐỖ NGỌC THỊNH: CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ THẨM QUYỀN CỦA CÁC BỘ VÀ CƠ CHẾ RÀ SOÁT VIỆC KHAI THÁC TÀI NGUYÊN NƯỚC CHO SINH HOẠT
Góp ý vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cần phân định rõ thẩm quyền của 2 cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ chế phối hợp để rà soát việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt.
Tiếp thu giải trình dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước. Hiện dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về bảo vệ nguồn nước mặt, trong đó có bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, đã được quy định riêng tại Điều 21. Đồng thời, đã bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 79), của UBND các cấp (Điều 80), dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng dự thảo Luật vẫn chưa cụ thể các tiêu chuẩn, chất lượng nguồn nước, tiêu chuẩn xả thải hay chỉ định cơ quan ban hành tiêu chuẩn, chất lượng nguồn nước và tiêu chuẩn xả thải.
Phóng viên: Thưa đại biểu, ông đánh giá như thế nào về việc bảo vệ chất lượng nguồn nước theo tiêu chuẩn và quy chuẩn đạt chuẩn quốc tế trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này?
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh: Tôi nhận thấy trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ các tiêu chuẩn, chất lượng nguồn nước, tiêu chuẩn xả thải hay chỉ định cơ quan ban hành tiêu chuẩn, chất lượng nguồn nước và tiêu chuẩn xả thải.
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy hình như Ban soạn thảo chưa tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này; trong đó, có chỉ thị về nước của Liên minh châu Âu (EU). Chỉ thị này đã cung cấp một khuôn khổ các phương pháp định hướng tiếp cận mục tiêu, nguyên tắc và biện pháp cơ bản chung để quản lý tài nguyên nước ở các quốc gia trong Liên minh châu Âu và họ đã quản lý rất thành công.
Tôi cho rằng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần xác định rõ mục tiêu môi trường và tiêu chuẩn, chất lượng cho các nguồn nước của mình. Quy định rõ cơ quan có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn, chất lượng nguồn nước. Mục tiêu là đạt tình trạng sinh thái tốt hoặc tiềm năng sinh thái tốt. Trong dự thảo luật đang quy định cơ quan chịu trách nhiệm cho từng mục đích khai thác tài nguyên nước nhưng không thấy bóng dáng trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tôi đề nghị, cần bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng nguồn nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.
Phóng viên: Thưa đại biểu, về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 79), của UBND các cấp (Điều 80), dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ. Quan điểm của ông thấy việc phân định trách nhiệm như vậy đã hoàn chỉnh chưa?
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh: Tôi cho rằng vẫn cần bổ sung quy định này theo hướng đồng bộ hơn. Tôi nhận thấy tại khoản 3 Điều 43 chưa phân định rõ thẩm quyền của 2 cơ quan, đó là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, tôi đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của 2 cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tránh chồng chéo trong quản lý. Thứ hai, tôi đề xuất tách điểm d khoản 3 Điều 43 thành một khoản riêng và sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 43, sau đó sẽ điều chỉnh điểm d thành khoản 4 và khoản 5 của Điều 43 thành khoản 5 và khoản 6.
Tại khoản 3 Điều 59 đã nêu "việc sử dụng nước thải và tái sử dụng nước được thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường". Nhưng theo tôi, để tránh việc quy định không rõ đó và áp dụng thống nhất pháp luật cần phải quy định một cách rõ hơn.
Thứ tư, khoản 5 Điều 52 liệt kê 4 loại giấy phép về tài nguyên môi trường bao gồm: Giấy phép khai thác nước mặt, giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép khai thác nước biển, giấy phép thăm dò nước dưới đất, nhưng chưa cụ thể hóa từng loại hoạt động quy định tại khoản 3 Điều 52 sẽ phải xin giấy phép gì tương ứng. Do đó, cần chuyển khoản 5 lên đầu và bổ sung nội dung về loại giấy phép cần xin với từng hoạt động tương ứng. Ngoài ra, cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép về tài nguyên nước do chưa có quy định về vấn đề này cũng như bổ sung phạm vi hoạt động của từng loại giấy phép.
Cuối cùng, tôi cho rằng có thể học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong Đạo luật Nước sạch để có thể đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến quản lý ô nhiễm từ nguồn, không quy định rõ quy định chính sách cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước sạch, đặc biệt là nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, có trách nhiệm báo cáo ngay đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện ô nhiễm từ nguồn không định rõ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81418