ĐBQH góp ý những điều phụ huynh, người học không được làm với nhà giáo

Nếu giáo viên vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh, người học không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo, mà phải thông qua nhà trường…

Nhà giáo cần được xã hội bảo vệ, tôn Vinh

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu ý kiến, Luật này liên quan tới giáo dục nên không tách rời khỏi người học. Đại biểu góp ý, tại Điều 2 dự thảo luật, cần bổ sung đối tượng áp dụng là người học, phụ huynh vào khoản 3 và được viết lại là: "Người học, phụ huynh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của nhà giáo".

Luật này cũng quy định nhà giáo được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn Vinh. Tuy nhiên, điều thầy, cô mong muốn hơn là: luôn được người học, phụ huynh kính trọng. Thường thì tôn vinh là hình thức công nhận một thành tích hay một cống hiến về việc gì đó.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, khoản 1 Điều 3 sau cụm từ "tôn vinh" nên bổ sung thêm cụm từ "khi có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục". Khoản này cần bổ sung cụm từ "người học, phụ huynh" như bổ sung vào đối tượng áp dụng tại Điều 2.

Từ những phân tích như trên, ĐBQH đoàn Bình Định cho rằng, khoản 1 Điều 3 sẽ được viết lại là: "Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục, được người học, phụ huynh, xã hội bảo vệ, kính trọng; được tôn vinh khi có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục".

Ông Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị, khi nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cũng cần vinh danh tại nơi cư trú của nhà giáo. Đây vừa là động lực cho nhà giáo, mà cũng để nhà giáo giữ gìn hình ảnh người thầy phù hợp với danh hiệu của mình.

Các thế hệ trước gần như không có xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên hay học sinh xúc phạm thầy cô. Thời gian gần đây, những sự việc trên thỉnh thoảng xảy ra làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, Điều 11 cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, người học không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy, cô vượt quá giới hạn cho phép thì phụ huynh, người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo, mà phải thông qua nhà trường, ban đại diện cha mẹ, cơ quan nhà nước.

 Ông Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Nghĩa vụ của nhà giáo

Điều 9 quy định về “nghĩa vụ của nhà giáo”, ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh thành "nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo". Đối với một số trách nhiệm của nhà giáo, cần bổ sung nội dung "có sự phối hợp của phụ huynh và người học".

Ví dụ, khi phát hiện năng khiếu người học, bản thân thầy, cô không thể phát huy năng lực của người học, mà cần trao đổi với phụ huynh. Khi giảng dạy về đạo đức, văn hóa ứng xử thì trao đổi với phụ huynh xem các cháu đã thực hiện việc học đi đôi với hành hay chưa.

“Có một cuốn sách nói về định luật giảng dạy, trong đó có nêu "giáo viên phải hiểu rõ bài học mà mình muốn dạy". Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế chúng ta cũng đã vi phạm điều này” - ông Nguyễn Văn Cảnh nêu thực trạng.

Theo ĐBQH tỉnh Bình Định, một số thầy, cô giáo dạy những nội dung môn tích hợp chưa được đào tạo, bồi dưỡng. Một số thầy, cô môn này nhưng phải dạy môn kia do thiếu giáo viên.

Thông thường, học sinh ghi nhớ rất lâu nội dung lần đầu tiếp thu. Vì thế, nếu nội dung được dạy mơ hồ hay thiếu chính xác thì sẽ khó sửa và kết quả kém so với việc chúng ta dạy sau.

Nắm kiến thức rõ ràng thì thầy cô mới có thể liên hệ bài học với thực tế cuộc sống, nếu không đúng, giải đáp câu hỏi của học sinh không chính xác sẽ làm các em giảm niềm tin vào năng lực của thầy cô.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, tại khoản 2 Điều 11 quy định về những việc nhà giáo không được làm sẽ bổ sung một nội dung là "nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ".

Để thầy cô không vi phạm lỗi này, cần bổ sung vào điểm e khoản 2 Điều 8 quy định về quyền của nhà giáo là "được từ chối giảng dạy những nội dung chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định".

Ngoài ra, định luật có nêu: "học viên phải có sự chú ý, quan tâm đến bài học". Đây là một yếu tố cần thiết để nâng cao hiệu quả giảng dạy, người học phải tập trung lắng nghe thì mới hiểu xuyên suốt bài học. Bên cạnh đó, cũng không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của những học viên khác. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, tại Điều 8 quy định về quyền của nhà giáo cần bổ sung nội dung "được quyền yêu cầu người học dừng các hoạt động gây mất tập trung trong không gian giảng dạy, được yêu cầu người học rời khỏi không gian giảng dạy khi không thực hiện yêu cầu của nhà giáo".

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dbqh-gop-y-nhung-dieu-phu-huynh-nguoi-hoc-khong-duoc-lam-voi-nha-giao-post716805.html