ĐBQH 'hiến kế' cách thức đấu giá sim số đẹp, ngăn chặn cuộc gọi và tin nhắn rác
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề xuất, các sim số đẹp khi mang ra đấu giá cần phân nhóm để hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc không lấy, bởi tiền cọc chỉ là 262.000 đồng…
Chiều 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).
Trình bày báo cáo này trước khi ĐBQH thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, nhiều đại biểu có ý kiến về việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn sim không đúng thông tin thuê bao - sim rác, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn.
Trong đó, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động; quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý sim không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.
Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.
Đây cũng là nội dung được nhiều ĐBQH cho ý kiến tại phiên thảo luận. Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật thông tin. Hay đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc chuyển mạng giữ số…
Một nội dung khác cũng có nhiều ĐBQH quan tâm là quy định về đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đồng tình với nội dung tại điểm c khoản 4 Điều 50 về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.
Tuy nhiên, đại biểu Cảnh cho rằng, cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy.
“Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262.000 đồng”.
Với những số thuê bao “đẹp”, có giá trị cao, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh gợi mở việc tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể.
“Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.
Phát biểu làm rõ hơn nội dung này cuối phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện.
Ông Huy cho biết, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá.