ĐBQH kiến nghị quy định rõ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng cần quy định rõ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Tại phiên họp chiều 27/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần quy định rõ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo tính khả thi.
Theo đại biểu, tại điểm a, khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật quy định: "Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên”.
Đại biểu Tô Văn Tám bày tỏ băn khoăn điều này khi không quy định rõ “thỏa thuận bằng tên gọi khác”, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý. Đại biểu đề nghị cân nhắc để đảm bảo tính khả thi của luật khi thực hiện trên thực tế.
Đại biểu cũng đề nghị nên hoàn thiện quy định, chính sách, cơ chế để thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) nhận định, cần nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu mong muốn người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm, giảm tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần và đề nghị nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội cao hơn.
Hiện, dự thảo Luật quy định mức trợ cấp một lần bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tính đến tuổi nghỉ hưu.
Trong khi đó, mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tính bằng 1,5 mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những tháng đóng trước 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm từ 2014 trở đi.
Đại biểu Triệu Thị Huyền cũng góp ý về kỹ lập pháp, đề nghị sắp xếp kết cấu lại thứ tự các điều Luật; quy định cụ thể hơn nội dung liên quan đến quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau tại Điều 44 dự thảo Luật.