ĐBQH LÊ TẤT HIẾU: CẦN CÓ QUY ĐỊNH PHẠT VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƠN PHƯƠNG HỦY HỢP ĐỒNG MUA TÀI SẢN ĐẤU GIÁ
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đại biểu Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, để đảm bảo người tham gia đấu giá nghiêm túc, có trách nhiệm, dự thảo Luật cần có quy định phạt với các trường hợp đơn phương hủy hợp đồng mua tài sản đấu giá.
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá.
Đồng thời, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, nhất là tài sản công.
Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "thông đồng, dìm giá" trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp…
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự bị tịch thu xung công quỹ nhà nước
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại điểm đ Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016 và tại điểm e Khoản 1 Dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định: “Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
Về nội dung này, đại biểu thấy rằng, đối với vụ án hình sự thì quy định như vậy chỉ đúng đối với vụ án hình sự mà đã được điều tra, truy tố và xét xử và đã có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đối với vụ án hình sự mà vì lý do nào đó phải đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, trong đó có tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội cơ quan điều tra, viện kiểm sát quyết định tịch thu xung công quỹ thì trong Luật đấu giá tài sản chưa quy định. Do vậy, cần bổ sung điểm e khoản 1 Điều 4 dự thảo là: “e. Tài sản là tang vật, phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự bị tịch thu xung công quỹ nhà nước”.
Giữ nguyên quy định điểm e khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016
Bên cạnh đó, tại điểm e khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “e. Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu xung quỹ nhà nước, tài sản kê biên dể bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Tôi cho rằng quy định như vậy là đầy đủ và cần thiết.
Tuy nhiên tại dự thảo luật sửa đổi quy định tại điểm n khoản 1 Điều 4 lại bỏ đi tài sản” là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu xung quỹ nhà nước là không có cơ sở. Do vậy, đề nghị tại điểm n Khoản 1 Điều 4 Luật sửa đổi cần được giữ nguyên như điểm e Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản năm 2016.
Đề xuất cho phép hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá, kết quả đấu giá trong một số trường hợp
Liên quan đến nội dung về hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, Luật đấu giá tài sản quy định, trong đó có 2 loại tài sản đó là: e: Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; và n: Tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử pháp vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trong thực tiễn có nhiều trường hợp đối với loại tài sản này, sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành kê biên, ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, đặc biệt là đã đấu giá thành công, ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì mới phát hiện trong quá trình kê biên tài sản, các cơ quan pháp luật đã có vi phạm trong quá trình kê biên.
Về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật hiện hành thì vẫn phải tiến hành đấu giá và giao tài sản trúng đấu giá cho người trúng đấu giá.
Tuy nhiên trong thực tiễn việc giao tài sản cho người trúng đấu giá trong trường hợp này là rất khó khăn, các cơ quan liên quan không thể thực hiện, vì khi đó lại phải có trách nhiệm bồi thường cho người có tài sản bị kê biên. Đến nay trong thực tế có rất nhiều vụ việc còn tồn tại, khiếu kiện kéo dài mà không có pháp luật điều chỉnh.
Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cho phép hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá và hủy kết quả đấu giá trong trường hợp này. Theo đó, đề nghị bổ sung thêm một điểm quy định: “Khi phát hiện có vi phạm phát luật trong việc kê biên tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu xung công quỹ nhà nước, tài sản kê biên để đảm bảo thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
Từ đó việc hủy bỏ kết quả đấu giá thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 72 về hủy kết quả đấu giá.
Cần quy định mức phạt 30%- 50% giá tại hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá
Liên quan đến quy định về tiền đặt trước, khoản 1 Điều 39 Luật đấu giá tài sản năm 2016 quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước tối thiểu bằng 5%; tối đa bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Khi trúng đấu giá thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Đại biểu Hiếu cho rằng, quy định như vậy là phù hợp và có hiệu quả thực tiễn trong thời gian dài. Tuy nhiên chỉ đến khi vừa qua, trong thực tiễn đã có nhiều trường hợp khi đấu giá thì người đấu giá bỏ giá rất cao, vượt xa niều lần giá khởi điểm sau đó đơn phương không thực hiện mua tài sản đấu giá và sẵn sàng bỏ tiền cọc. Ví dụ: Như đấu giá đất Thủ Thiêm; đấu giá biển số ô tô vừa qua như truyền thông đã đưa tin, gây xáo trộn tình trạng kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá của nhà nước.
Tại phiên thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu đề xuẩ nâng mức tiền đặt trước, quy định biên độ tiền đặt trước tùy theo giá trị tài sản. Ngoài ra, đối với một số tài sản đặc thù có thể nâng tiền đặt trước lên 50% giá khởi điểm.
Đề xuất này diễn ra trong bối cảnh nhiều vụ việc người trúng đấu giá bỏ cọc như với biển số xe ô tô trị giá hơn 30 tỉ đồng vừa qua, hay trước đó là các vụ trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc...
“Tôi cho rằng có một lý do quan trọng là do số tiền đặt trước chưa đủ lớn để người đấu giá phải suy nghĩ, cân nhắc thiệt hại khi đấu giá và khi đơn phương hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, vì trong những trường hợp này thì tiền cọc tối đa là 20% giá khởi điểm hoàn toàn không phải là giá trị lớn so với giá bỏ thầu. Do vậy khi cần thì họ sẵn sàng bỏ tiền cọc.”, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu quan điểm.
Do vậy để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Hiếu đề xuất có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm.
“Tuy nhiên có một hạn chế là nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá. Do vậy theo tôi cần có một điều luật quy định về phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng.”, đại biểu Hiếu chia sẻ./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83044