ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị bổ sung thêm quy định về quyền của người sử dụng đất
Sáng 15/1, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Tham gia góp ý về quyền của chủ sử dụng đất, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền của chủ sử dụng đất, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng theo các tầng đất, định giá tiền sử dụng đất dưới bề mặt... Trên cơ sở nghĩa vụ chung của người sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật; về sử dụng đất đúng quy định về độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không; và cụ thể hóa về quyền bề mặt được Bộ Luật Dân sự quy định, đồng thời, đồng bộ với khoản 2 Điều 216 dự thảo Luật về quyền chuyển nhượng, cho thuê không gian dưới lòng đất; đề nghị tại Điều 26 dự thảo Luật bổ sung 1 khoản về quyền của người sử dụng đất như sau: Người sử dụng đất có quyền sử dụng vùng trời phía trên bề mặt đất và vùng đất bên dưới bề mặt đó một cách hợp lý cho việc sử dụng hợp pháp của mình theo quy định của Chính phủ.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, tại điểm d khoản 2 Điều 152 dự thảo Luật quy định Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận trong trường hợp cấp đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất...
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều này lại có quy định loại trừ và theo đó, Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, mặc dù Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất... đối với trường hợp đã chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Điều 81 dự thảo Luật quy định, đối với: Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền thì phải thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Quy định như khoản 4 Điều 152 là chưa thống nhất với Điều 81, vì Điều 81 không loại trừ trường hợp đã thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy, nếu có hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều 81 thì thực hiện thu hồi đất hay căn cứ vào khoản 4 Điều 152 để không thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với ý nghĩa là công nhận quyền sử dụng đất của người nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho?
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị cân nhắc quy định này, dù đây là nội dung kế thừa một phần từ Điều 106 Luật Đất đai hiện hành. Bởi quy định này trên thực tế đã gây ra nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm trong trường hợp đất được cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng thời hạn sử dụng đất... khi người sử dụng đất đã chuyển quyền sử dụng đất cho người khác. Theo cử tri phản ánh thì đây chính là quy định hợp thức hóa sai phạm cho hành vi vi phạm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất; dẫn đến việc người có quyền sử dụng đất nếu muốn “lách” luật sẽ chuyển nhượng ngay cho bên thứ ba, điều này tránh cho họ bị xử lý thu hồi đất về sau.
Nếu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình, đặc biệt là người nhận chuyển nhượng hợp pháp thì pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước cần phải được áp dụng trong trường hợp có thiệt hại do hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền gây ra.
Do đó, theo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh, hậu quả phải được khắc phục, đề nghị bỏ quy định loại trừ tại khoản 4 Điều 152 và chỉ áp dụng điểm d khoản 2 Điều 152 và khoản 3 Điều 81 để thu hồi Giấy chứng nhận, thu hồi đất trong trường hợp cấp, giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng.