ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: PHÁT HUY TRÍ TUỆ TẬP THỂ, ĐẢM BẢO CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN, NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc trọng thể vào ngày mai (20/5). Chia sẻ trước thềm Kỳ họp, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam kỳ vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cùng tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, đảm bảo các quyết sách được thông qua tại Kỳ họp đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Theo dự kiến Chương trình, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 20/5/2024, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024; Đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày. Kỳ họp thứ 7 dự kiến sẽ xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn với 42 nội dung về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phóng viên: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/05 tới đây tại Thủ đô Hà Nội. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của Kỳ họp lần này?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Tôi cho rằng Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, công tác phòng chống dịch bệnh,.. đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi và tốt nhất để Kỳ họp diễn ra theo đúng quy định.
Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Chính phủ, các cơ quan có liên quan và các cơ quan của Quốc hội cũng đã rất tích cực, chủ động để gửi tài liệu, nội dung cho ý kiến tại Kỳ họp để các đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận, đảm bảo thời gian nghiên cứu trước khi thảo luận. Đến nay, có thể thấy, công tác chuẩn bị Kỳ họp trên tất cả các phương diện đã hoàn tất, sẵn sàng cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Phóng viên: Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, theo đại biểu đâu là nội dung trọng tâm được cử tri mong muốn gửi gắm tới Quốc hội tại Kỳ họp lần này?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, cử tri mong muốn gửi gắm một số nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật Bảo hiểm Y tế các trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến tỉnh lên tuyến trên thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định tăng số lần khám thai của lao động nữ lên 8 lần trong thai kỳ (theo quy định hiện tại là 5 lần) để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi. Đồng thời, đề nghị xem xét, bổ sung quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng các chế độ giống như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm đảm bảo tính công bằng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, tạo động lực thu hút nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian tới.
Thứ ba, cử tri mong muốn Chính phủ có các biện pháp linh hoạt, hiệu quả hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường vàng, giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Phóng viên: Một trong những nội dung trọng tâm tại Kỳ họp thứ 7 là công tác lập pháp. Trong đó, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 luật và 03 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Qua nghiên cứu tài liệu cũng như thực tiễn hoạt động, đại biểu có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị cũng như quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết lần này?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 03 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm hoàn tất các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và các báo cáo thẩm tra, cũng như đôn đốc các cơ quan nhằm hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật, Nghị quyết bảo đảm đáp ứng các điều kiện, chất lượng trước khi trình ra Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc Chính phủ, các Bộ, ngành khẩn trương gửi các báo cáo, hồ sơ, tài liệu để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu góp ý vào dự thảo các dự án Luật và Nghị quyết.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Vậy, đại biểu có kỳ vọng gì trước thềm phiên khai mạc Kỳ họp?
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Đây là Kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Tôi mong rằng các vị đại biểu Quốc hội sẽ chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm;.. Từ đó, đạt được kết quả là những quyết sách, những dự án luật có ý nghĩa đòn bẩy, động lực nhằm thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước trong thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=86924