ĐBQH lo có lợi ích nhóm khi ồ ạt cho phép chuyển đổi mục đích đất

Theo các đại biểu quốc hội, việc ồ ạt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải là đất ở sang đất ở có thể khiến lợi ích rơi vào một số nhóm người, thất thoát ngân sách.

Buổi thảo luận tổ về dự án luật sửa đổi 8 luật của Quốc hội sáng 6/1 diễn ra khá sôi nổi khi các đại biểu tập trung phân tích về một số điều chưa có nghiên cứu kỹ, đặc biệt là các yếu tố có thể gây ra trục lợi chính sách, lợi ích nhóm.

Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa một số điều của 8 luật, bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Điều mà các đại biểu băn khoăn nhất là có nên sửa một điều khoản của Luật Đầu tư, dẫn chiếu Luật Nhà ở, cho phép chuyển đổi mục đích đất để xây dựng dự án nhà ở. Điều này có thể làm gia tăng giá trị địa tô, tạo lợi ích cho một bộ phận nhà đầu tư, trong khi Nhà nước và người dân không được hưởng lợi nhiều.

 Nhiều đại biểu không đồng tình với việc ồ ạt cho chuyển đổi mục đích đất. Ảnh: Chí Hùng.

Nhiều đại biểu không đồng tình với việc ồ ạt cho chuyển đổi mục đích đất. Ảnh: Chí Hùng.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng quy định này sẽ giúp giải quyết ách tắc cho rất nhiều dự án hiện nay, đặc biệt là tại TP.HCM. Thực tiễn cho thấy nhiều dự án có đất xen kẽ là đất ở có thể làm dự án nhà ở được. Nhưng những dự án không có 1 m2 đất ở nào (có thể là đất nông nghiệp, đất công nghiệp…) không thể thực hiện dù vẫn nằm trong quy hoạch sẽ là đất ở.

Tuy vậy, ông Ngô Trung Thành đề nghị phải đánh giá kỹ hơn, vì việc này sẽ tạo ra một cú hích rất lớn vào thị trường bất động sản, vốn đã rất nóng. Theo ông Thành, những loại đất chưa phải là đất ở thì giá trị hiện là thấp, nhưng nếu quy định này được thông qua, giá trị sẽ tăng vọt, bởi sẽ tính như giá đất đã chuyển đổi sang đất ở.

“Quy định này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi dự án rất lớn. Rõ ràng giá đất với loại đất này tăng lên rất nhiều. Với nhà đầu cơ có đất loại này, quyền năng, giá trị tài sản tăng lên rất nhiều. Cần có đánh giá tác động liên quan đến thị trường bất động sản”, ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành dẫn thêm việc đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm thu về hơn 1,1 tỷ USD. Nếu một dự án mà cứ chuyển đổi như vậy, không thông qua đấu giá, khiến chênh lệch sau đấu giá đất là rất lớn. Do vậy, ông một lần nữa nhấn mạnh cần đánh giá kỹ hơn để qua đó giúp khai thác được nguồn lực đất đai, phát triển đất nước, tăng khả năng cân đối ngân sách.

Đồng tình, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng nếu đồng ý đề xuất sửa luật thì việc chuyển nhượng đất đai không phải đất ở sẽ diễn ra rất nhiều, tạo ra lợi ích nhóm, lợi ích rất lớn được đổ vào túi một số người.

Ông đánh giá kể cả thí điểm cũng không thu hồi được đất đã giao nên cần cân nhắc kỹ, đánh giá kỹ. “Nếu sửa ngay sẽ gây ra thất thoát lớn, không qua đấu thầu đấu giá, chênh lệch rất lớn ở các địa phương, gây thiệt hại cho Nhà nước”, ông chia sẻ.

Cũng về chủ đề này, ông Lê Tiến Châu, Phó chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu tỉnh Hậu Giang, cho rằng lợi ích có thể về tay nhiều nhà đầu tư đã gom một số lượng đất nông nghiệp, đất mục đích khác… nằm trong quy hoạch là đất ở. Khi đó, lợi thế địa tô nghiễm nhiên về tay những người này.

Ông đề nghị hoãn sửa đổi, để sửa quy định này cùng với sửa đổi Luật đất đai.

Thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đoàn Quảng Trị) cho rằng giá trị địa tô tăng lên thì phải thuộc về cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. “Chúng ta sẽ phải tiếp tục bàn và thiết kế chính sách sao cho hài hòa lợi ích. Chúng ta tháo gỡ nhưng không làm mất đi nguồn lực”, ông Dũng nói.

Thuận Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dbqh-lo-co-loi-ich-nhom-khi-o-at-cho-phep-chuyen-doi-muc-dich-dat-post1287894.html